Đặc điểm của hoa dạ yến thảo
Loài hoa dạ yến thảo thuộc dạng thân cây thảo mềm mại, kích thước nhỏ nhắn và chiều dài chỉ tầm 50-60cm.
Cành của cây nhỏ, mọc rậm và xen kẽ khắp thân cây nên nhìn tổng thể cây rất xum xuê.
Cây có lá hình bầu tròn, ngọn lá nhọn, mềm mại và có màu xanh tươi. Lá mọc dày trên các cành tạo cảm giác mát mẻ và tràn đầy sức sống.
Bông hoa hình phễu và có kích thước khoảng từ 5 - 12cm. Hoa dạ yến thảo nở quanh năm, có khoảng 150 màu sắc khác nhau và tỏa hương thơm rất đặc biệt.
Dạ yến thảo là loài cây ưa ánh sáng và thích nghi với khí hậu nhiệt đới. Cây sinh trưởng nhanh, dễ trồng và dễ chăm sóc.
Loài hoa này có 2 loại chính là dạ yên thảo đơn và dạ yên thảo kép.
Dạ yên thảo đơn: Là dạng cây bụi có nhiều hoa nhưng hoa chỉ có một lớp cánh. Dáng hoa hình phễu, thuôn dài ở gốc và xòe rộng ra ở đỉnh, trông gần giống với hoa loa kèn. Hoa có đường kính từ 5 - 7cm với nhiều chủng loại, màu sắc phong phú vô cùng đẹp mắt. Cây rất dễ trồng và ít bị ảnh hưởng từ sâu bệnh.
Dạ yên thảo kép: Là hoa có nhiều cánh xếp chồng lên nhau tạo thành hình gợn sóng. Đường kính hoa lớn khoảng 13cm và mỗi bông có thể mang từ 2 - 3 màu sắc khác nhau trông rất bắt mắt.
Thời vụ
Cây được trồng quanh năm nhưng thích hợp nhất là vào mùa hè. Thời điểm gieo hạt tốt nhất là khoảng từ tháng 2 – 6 hàng năm.
Mật độ trồng: 40.000 chậu trên 01ha. Trồng trong chậu để trong nhà lưới, mỗi chậu trồng từ 1 – 2 cây.
Chọn giống
Tùy vào mục đích sử dụng có thể chọn giống dạ yến thảo theo dạng cây, dạng hoa hoặc màu sắc hoa. Chọn hạt giống từ các công ty, thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, để có chất lượng hạt giống tốt nhất như tỷ lệ nảy mầm cao, không lẫn tạp, không mang mầm bệnh.
Khi chọn mua cây không nhất thiết chọn cây to, sai hoa mà chỉ cần mỗi cây nở một vài bông để nhận màu là được. Với loại rủ chọn cây cành mập, khỏe, khoảng cách giữa cách cặp lá không quá 5-7 cm. Không nên chọn mua cây già tuổi (cây quá lớn, cành lá xum xuê che hết chậu, nở nhiều hoa) vì dạ yến thảo là cây hàng năm, chọn cây càng già tuổi thì càng nhanh tàn.
Quy trình kỹ thuật trồng hoa dạ yến thảo
Bà con có thể trồng dạ yến thảo bằng 2 phương pháp là trồng bằng cành và trồng bằng hạt.
Để trồng hoa dạ yến thảo bằng cành bà con cần thực hiện theo các bước như sau:
Đầu tiên, bà con cần chọn cành to mập mạp, khỏe mạnh và tươi tốt. Nhớ chừa lại 3 nút lá trên cành và cắt bên dưới nút thứ 4. Tiếp theo, bà con tỉa hết lá và hoa trên cành để cành ươm chỉ tập trung cho việc đâm rễ.
Tiếp theo bà con cắm cành vừa cắt vào nước có hòa dung dịch dinh dưỡng để cành xanh tươi và phát triển tốt hơn ở môi trường mới.
Đồng thời trộn đất mùn tơi xốp cùng với phân bón hữu cơ và cho vào chậu. Sau đó, bạn tiến hành tạo lỗ trên mặt đất để cắm cành mới vào trồng. Sau đó giâm cành vào chậu và lấp đất lại. Dùng bình phun sương để tưới cành và đất trồng. Việc này sẽ giúp tạo độ ẩm để cây thích nghi tốt với môi trường mới.
Cuối cùng, bạn đặt chậu cây ở nơi thoáng mát có ánh sáng giúp cây phát triển. Tránh đặt cây dưới ánh nắng mặt trời để tránh tình trạng nhanh mất nước và héo úa.
Nếu muốn trồng hoa dạ yến thảo bằng hạt, thời gian gieo hạt giống dạ yến thảo tốt nhất để cây dễ dàng sinh sôi nảy nở là vào tháng 5 - tháng 6. Ban đầu, gieo hạt giống lên chậu trồng hoa và rắc 1 lớp đất mỏng lên. Tiếp theo phun nước nhẹ nhàng lên xung quanh chỗ gieo hạt giống sao cho hạt không bị trôi đi hay hở lên mặt đất. Sau 4-7 ngày giữ ẩm thì hạt sẽ bắt đầu nảy mầm.
Sau khi trồng cây xong, bạn cần biết cách chăm sóc đúng để hoa mọc lên nhiều, đều và đẹp. Dưới đây là một số kỹ thuật chăm sóc mà bạn cần biết.
Tránh ánh sáng gay gắt và gió lớn. Dạ yến thảo rất nhạy cảm với nhiệt độ, ưa lạnh và không cần quá nhiều ánh sáng.
Bón phân: Đây là điều quan trọng để cây phát triển tốt. Bạn cần chú ý bón phân vi sinh đều đặn 2 lần/tuần. Bên cạnh đó có thể thay đất hoặc chậu để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho cây.
Cắt tỉa cành, lá cây: Thường xuyên ngắt ngọn khi cây còn nhỏ để gia tăng số lượng mầm cây.
Tưới nước cho cây: Giữ cho chậu cây ẩm suốt từ sáng đến chiều trong thời kỳ gieo hạt tới khi ra hoa. Đảm bảo cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh quá nhiều hoặc quá ít.
Phòng trừ sâu bệnh
Bà con nên tránh để cây bị ngâm nước mưa lâu hoặc trồng ở những nơi thông gió kém. Nếu để ngập nước lâu, lá, thân và rễ sẽ dễ bị thối và chuyển sang màu đen. Khi thấy lá bị thối, bà con phải thay đổi vị trí trồng cây, tránh mưa, tránh tưới nước cho lá. Lưu ý dọn sạch lá, cành bị bệnh, cành chết để cây không bị lây bệnh và chết.
Nếu đất bị ướt lâu ngày, bà con cần kịp thời lấy ra khỏi chậu hoặc treo ở nơi thông gió và có ánh sáng tốt hơn.
Nếu phát hiện trên lá có những hạt nhỏ màu đen, lá bị côn trùng cắn hoặc có ruồi đen nhỏ trong đất thì nên phun kịp thời các loại thuốc trừ sâu để phòng trừ sâu bướm và các loài gây hại khác.
Sau khoảng 2-3 tháng, cây dạ yến thảo trong điều kiện chăm sóc tốt sẽ nở hoa. Lưu ý, sau khi hoa tàn, nên cắt bỏ hoa già để cây tập trung dinh dưỡng và cho lứa hoa mới.