Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 6.000ha lúa, cá, hoa màu và dưa hấu trồng phục vụ thị trường Tết bị ngập úng.
Huyện Năm Căn có gần 100ha đất nông nghiệp trồng cây rau màu, lúa và hoa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Đây là vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung và duy nhất của huyện Năm Căn. Nông dân Phạm Văn Huê, khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn cho biết: “Vụ Tết này, gia đình tập trung vốn đầu tư trồng trên 1.500 dây dưa hấu, tính đến thời điểm gặp bão là đúng 1 tháng tuổi. Dự kiến đến 20 tháng 12 (âm lịch) là thu hoạch, nhưng bị mưa lớn kéo dài do bão nên ruộng dưa bị ngập sâu, coi như chết hết”.
Còn xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau là địa phương có diện tích trồng dưa hấu nhiều nhất tỉnh và cũng là địa phương có diện tích thiệt hại lớn nhất. Toàn xã có trên 120 hộ trồng dưa hấu, với diện tích khoảng 68ha bị ngập nước trong đợt này. Trong đó có 21ha dưa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đã có khoảng 5ha dưa hấu bị hư hại hoàn toàn và 63ha bị thiệt hại trên 65%.
Ông Huỳnh Tấn Liệp, ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, nhìn ruộng dưa tan hoang, trắng xoá trong nước không khỏi đau lòng, xót của: “Công sức hơn 2 tháng gieo hạt, chăm sóc đêm ngày, thế nhưng chỉ qua mấy ngày mưa trái mùa làm bể bờ bao, nước tràn dâng quá 4 tấc nên hơn 5 công dưa hấu hư hại hoàn toàn. Trái còn non lắm, chỉ có nước đem bỏ thôi”. Theo tính toán của ông Liệp, mỗi công dưa phải bỏ vốn gần 8 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc mà nay không còn gì. Gia đình ông còn đang nợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và nhiên liệu trên 20 triệu đồng.
Cũng tương tự ông Liệp, 3 công dưa hấu của ông Trương Văn Đoàn cũng mất trắng hoàn toàn. Ông Đoàn nhẩm tính tổng thiệt hại: “Vốn 25 triệu đồng, nếu thu hoạch ít nhất cũng được 70 triệu đồng, trừ vốn và chi phí thì lãi sau thu hoạch cũng có được 20 triệu đồng ăn Tết. Nay thì mất trắng, tiền vốn toàn là vay nợ, giờ phải đi làm mướn trả cho người ta. Mấy ngày nay, vợ tôi không dám ra ruộng dưa vì nhìn cảnh này không chịu nổi, còn tôi hôm nay chỉ ra gom dụng cụ về chứ không qua thăm nữa làm gì”.
Trước thiệt hại của cơn bão được cho là trái với quy luật này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thông tin: “Hiện tại, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các huyện và TP. Cà Mau khẩn trương vận hành các công trình thuỷ lợi như trạm bơm, cống đập tiêu thoát nước, chống ngập, bảo vệ sản xuất của người dân. Đồng thời, nhanh chóng phối hợp với các địa phương đối chiếu các trường hợp bị thiệt hại do bão số 1 gây ra với Nghị định số 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và các văn bản liên quan. Qua đó, triển khai nhanh công tác thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và hoàn thiện hồ sơ thủ tục để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất”.
H NGUYÊN