Công tác tuyên truyền vận động không còn “mạnh ai nấy làm”
Huyện Bảo Thắng hiện có 14 Ban tuyên vận xã, thị trấn và 189 tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố. Hàng tháng, các Ban tuyên vận xã duy trì họp giao ban một lần; sau khi thống nhất nội dung thì họp với các tổ tuyên vận ở thôn, tổ dân phố. Thông qua đó, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được cấp ủy chuyển tải tới các thành viên Tổ tuyên vận. Sau đó, các tổ tuyên vận sẽ về triển khai tới người dân. Như vậy, các chủ trương, chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế được thông tin đến người dân kịp thời hàng tháng.
Ông Nguyễn Quang Úy, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Bảo Thắng cho biết: Năm 2021, thông qua các tổ tuyên vận, huyện Bảo Thắng phát động phong trào “Đường rộng sáng điện nhiều hoa, nhân dân đồng lòng nông thôn phát triển”. Khi bắt đầu triển khai, Ban thường vụ huyện ủy Bảo Thắng xác định để làm được 300km đường hoa thì phải hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền vận động được Nhân dân đồng tỉnh ủng hộ thì chỉ sau 01 năm toàn huyện đã làm được gần 300km đường điện nông thôn và hơn 300km đường hoa. Điều đặc biệt đó là kinh phí chủ yếu từ người dân đóng góp: Người dân bỏ tiền mua cột, mua bóng điện, bỏ tiền chi trả tiền điện…
Năm 2022, huyện Bảo Thắng tiếp tục phát động phong trào “Đường rộng, hè thoáng văn minh, xóm thôn không rác, nhà nhà chung tay”, thông qua việc tuyên truyền, giải thích thì cũng được người dân đồng tình ủng hộ rất cao. Cụ thể, từ ngày 25/6 sau khi phát động mở rộng đường từ 4,5m lên 6m đã có 14 xã, thị trấn đăng ký làm 100 km; đến nay, thì đã làm được trên 70km và có thể sẽ vượt kế hoạch mà các xã đã đăng ký ban đầu. Điều phấn khởi đó là khi triển khai thì làm đến đất nhà nào nhà đó hiến, cây nhà nào nhà đó chặt; nhà nước chỉ phải hỗ trợ một phần rất nhỏ…
“Chỉ lấy ví dụ với hai phong trào trong hai năm vừa qua, thông qua hoạt động của các Ban tuyên vận, tổ tuyên vận thì đã phát huy cao độ công tác dân chủ ở cơ sở. Giờ đây, về các thôn bản không còn tình trạng người dân thắc mắc, khiếu nại về việc triển khai các chủ trương của huyện, của xã mà bà con chỉ tập trung bàn bạc cách làm sao cho hiệu quả nhất, nhanh nhất... Trước đây, khi chưa có Ban tuyên vận, tổ tuyên vận thì các hoạt động tuyên truyền vẫn được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể làm; tuy nhiên, hoạt động này rời rạc, mạnh ai người ấy làm vì “không có ai cầm chịch”. Bây giờ tổ tuyên vận tập hợp được các trưởng các đoàn thể và đồng chí Bí thư chi bộ làm tổ trưởng. Khi tiếp thu các chủ trương từ trên về thì các tổ viên triển khai tuyên truyền cho hội viên của mình một cách thống nhất”, ông Úy nhấn mạnh
Có thể nói, thông qua mô hình tuyên vận các phong trào thi đua đã đi vào thực chất, rộng khắp hơn trong hệ thống chính trị; qua đó, tác động, lan tỏa nhanh chóng đến các tầng lớp Nhân dân. Sức mạnh tổng hợp trong dân được khơi dậy và phát huy.
Tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên vận
Ông Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, vai trò của công tác tuyên vận trong 10 năm qua là rất quan trọng; đóng góp tích cực vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, an ninh quốc phòng của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, hoạt động tuyên vận cũng cần phải có sự đổi mới tạo động lực để Lào Cai vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025.
“Trước tiên là phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương, các cơ quan đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong việc quán triệt thực hiện Quy định 60-QĐ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác tuyên vận. Cùng với đó, tiến hành rà soát, bổ sung quy chế phân công thực hiện công tác tuyên vận bảo đảm sát với tình hình thực tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu các địa phương về thực hiện công tác tuyên vận, nhất là việc tổ chức hội nghị tuyên vận hàng tháng…”, ông Huy nêu rõ.
Cũng theo ông Huy, thời gian tới, các cấp, các ngành cũng cần xác định rõ công tác tuyên vận là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Từ đó, để công tác tuyên vận thực sự là cầu nối, là nơi triển khai, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ sở. Gắn kết, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân với Đảng, kịp thời xử lý các vấn đề mới, vấn đề khó, phát sinh từ cơ sở. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên vận; nâng cao chất lượng biên soạn tài liệu tuyên truyền bảo đảm có chọn lọc, nhất là các thông tin nổi bật, số liệu có tính tổng hợp khái quát, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền…
Có thể khẳng định, sau 10 năm đi vào hoạt động, các Ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động. Sự ra đời của các Ban tuyên vận, tổ tuyên vận là khâu đột phá, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh miền núi Lào Cai trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… góp phần đưa Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế, chính trị xã hội vùng Tây Bắc…