Phát hành đạt 94% kế hoạch, tương ứng 164 triệu bản SGK các lớp
Về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phân tích kết quả của các môn thi cho thấy, phổ điểm của đa số các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định và tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước. Điểm các môn đều có sự phân hóa phù hợp bảo đảm cho công tác tuyển sinh; các tổ hợp truyền thống trong công tác xét tuyển sinh cũng tương đối ổn định so với các năm trước.
Cũng theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực. Do đó, công tác chuẩn bị cần được triển khai từ sớm, từ xa, cần thời gian thử nghiệm và tập huấn kỹ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn nữa trong nhiều khâu của kỳ thi.
Đáng chú ý, về tình hình cung ứng sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học mới (2024 - 2025), đến ngày 09/8/2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành in và nhập kho SGK các lớp đạt 95% kế hoạch, tương ứng 165 triệu bản; phát hành đạt 94% kế hoạch, tương ứng 164 triệu bản. Dự kiến đến 15/8/2024, sẽ hoàn thành cung ứng sách tới các địa phương, bảo đảm học sinh có đủ SGK trước khi năm học mới bắt đầu.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện giảm giá SGK phục vụ năm học 2024 - 2025. Theo đó, giá bìa mới của các cuốn SGK tái bản các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng từ năm học 2024 - 2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Đối với SGK các lớp 5, 9, 12 xuất bản lần đầu từ năm học 2024 - 2025, Nhà xuất bản cũng đã xây dựng và hoàn thành kê khai giá SGK theo cơ cấu giá đã giảm ở các lớp tái bản.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc đảm bảo đủ SGK phục vụ năm học 2024 - 2025, đồng thời tạo thêm nguồn tài liệu học tập và giảng dạy cho học sinh và giáo viên sử dụng chung tại thư viện trường học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình Tủ SGK dùng chung.
Mức trần học phí năm học 2024 - 2025 của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập được điều chỉnh tăng
Liên quan đến chỉ đạo về công tác thu - chi đầu năm học, Bộ GD&ĐT thông tin, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về mức thu học phí, quản lý học phí; hướng dẫn thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Đối với học phí từ năm học 2023 - 2024 và tiếp đến là năm học 2024 - 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Trong đó quy định: Tiếp tục giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024 bằng học phí năm học 2021 - 2022.
Đối với học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập: Mức học phí các trường thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023 - 2024 quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP); tương tự mức trần học phí năm học 2024 - 2025 có điều chỉnh tăng so với mức trần học phí năm học 2023 - 2024 do lộ trình học phí đã lùi lại quá dài, các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn trong cân đối thu - chi. Việc tăng học phí này là tăng theo lộ trình đã được điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, xin ý kiến các địa phương và các bộ, ngành và đánh giá kỹ lưỡng tác động CPI hằng năm nhằm thực hiện tự chủ đại học và lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW.
Để hướng dẫn các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý thu - chi tại các cơ sở giáo dục, hằng năm, Bộ GD&ĐTđều ban hành văn bản gửi các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục, trong đó, đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện các khoản thu, chi đến các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ quy định, từ đó thực hiện quyên góp, ủng hộ trên cơ sở tự nguyện, công khai minh bạch giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục theo đúng quy định.