Mục đích của kế hoạch là trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả Quyết định số 3818/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 556/QĐ-UBND ngày 23/2/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Bình Định năm 2025.
Triển khai Quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh về việc Quyết định Phê duyệt Đề cương Kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu trong Đề án, trong đó nêu rõ sự phân công nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch và Đề án, dự kiến tiến độ, thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Làm cơ sở để cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Kế hoạch nêu rõ yêu cầu bám sát các mục tiêu của Đề án, Kế hoạch, đề xuất các giải pháp thiết thực, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Căn cứ nội dung Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm đạt mục tiêu, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định.
Nhiệm vụ tổng quát của kế hoạch gồm: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Gắn kết Võ cổ truyền Bình Định với hoạt động du lịch của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng cao công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn những giá trị tiêu biểu của Võ cổ truyền Bình Định. Phát huy Võ cổ truyền Bình Định gắn với nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao tỉnh nhà.
Theo các tài liệu ghi chép, võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm. Dưới triều vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, từ khi phủ Hoài Nhơn được thành lập gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, người Việt mới bắt đầu sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.
Với ý định bình định vùng này để nhân dân có cuộc sống yên ổn, vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ đến đây. Các võ tướng, võ quan này không chỉ đến trấn giữ, mà còn truyền dạy võ nghệ cho con cháu, nhân dân làm cho vùng này trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ nghệ.
Thời Tây Sơn - thế kỉ XVIII, để đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô lớn, võ cổ truyền chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất. Môn võ này là sự kết tinh và hòa quyện giữa các dòng võ, môn võ, phái võ và quy tụ nhiều võ sư, võ quan, anh hùng hào kiệt từ đó tạo nên một dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc. Võ Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau, quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng. Từ thời Tây Sơn, võ cổ truyền đã được bảo tồn và phát triển.
Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, với sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, võ cổ truyền đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị độc đáo của nó. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.