Giải Vô địch trình diễn kỹ thuật Võ Việt Nam toàn nước Pháp diễn ra trong 2 ngày 12-13/3 tại thủ đô Paris thu hút hơn 250 võ sinh từ các võ đường trong khắp nước Pháp về tham dự. Năm nay do dịch bệnh, số lượng võ sinh tham gia giải vô địch thường niên này đã giảm đáng kể nên cũng ảnh hưởng phần nào đến sự sôi động của giải. Tuy nhiên, sự thể hiện khéo léo của các võ sinh đã luôn nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Dựa trên các kỹ thuật của nắm đấm, của chân, tay và kết hợp với các loại vũ khí truyền thống như gậy, kiếm, dao, giáo, dây… các võ sinh đã cho khán giả và ban giám khảo thấy được tài năng và sự uyển chuyển của họ trong từng đường quyền võ thuật, góp phần tôn vinh vẻ đẹp và sự phong phú của võ Việt Nam.
Theo ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Võ Việt Nam đang rất phổ biến ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, thể hiện qua số lượng các thí sinh tham gia các câu lạc bộ võ thuật ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy văn hóa Việt Nam đang được người dân châu Âu quan tâm và tìm hiểu, đây cũng là một kênh quảng bá rất thiết thực và quan trọng. Ông chia sẻ: "Trong những năm vừa qua, bằng nguồn lực và nỗ lực của trung tâm, chúng tôi hỗ trợ hoạt động của một số câu lạc bộ võ cổ truyền và Võ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chưa đủ để phát triển, quảng bá và nhân rộng mô hình môn võ này tại đất Pháp. Do đó chúng ta cần có biện pháp đồng bộ hơn, cụ thể hơn và huy động thêm nhiều nguồn lực hơn để giúp cho môn võ này phát triển ở Pháp, châu Âu và trên toàn thế giới".
Là thành viên Ban Giám khảo, ông Patrick Da Silva cho biết Giải Vô địch trình diễn kỹ thuật Võ Việt Nam toàn Pháp đã diễn ra tốt đẹp, các thí sinh đã thi đấu rất thành công, ban giám khảo cũng làm việc rất nghiêm túc và công bằng. Ông Jacques Charprenet, phụ trách công tác Võ thuật Việt Nam, cũng cho biết năm nay do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lượng võ sinh về tham dự giảm hẳn. Tuy nhiên, chất lượng vẫn luôn đảm bảo, điều này được thể hiện qua số lượng huy chương được trao ở giải là 78 huy chương trong đó có 27 huy chương vàng, 23 huy chương bạc và 28 huy chương đồng. Trong hai ngày thi đấu, gần 200 bài biểu diễn của các thí sinh đã được ban giám khảo và khán giả đáng giá cao.
Chia sẻ cảm xúc sau khi đón nhận tấm huy chương vàng, võ sinh Julyann Opiola, 16 tuổi, người đã gắn bó với bộ môn Võ Việt Nam từ 9 năm nay, không giấu nổi niềm vui khi tâm sự: "Các cuộc thi đấu không hề dễ, thậm chí rất khó, nhưng tôi đã vượt qua được và đã đạt kết quả tốt".
Du nhập vào Pháp từ đầu những năm 50 của thế kỷ 20, Võ Việt Nam hiện thu hút 12.000 người tập luyện ở nước này. Thường được mô tả như một bộ môn nghệ thuật sống, Võ Việt Nam thích hợp cho cả người lớn và trẻ em do sự phong phú của các kỹ thuật được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân, tôn trọng người khác và tạo dựng sự gắn kết là tôn chỉ mục đích của Võ thuật Việt Nam, hiện đang trở nên ngày càng hấp dẫn do vẫn duy trì được nét truyền thống đặc trưng, nhưng đã có sự bổ sung của tính hiện đại.
Trong đại gia đình Võ thuật Việt Nam, có hai phong cách nổi bật là Võ cổ truyền và Vovinam hay còn gọi là Việt Võ Đạo.