Hội thảo tập trung vào các nhóm giải pháp gồm: Chính sách và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam; tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam; xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào võ cổ truyền Việt Nam; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và hiệu quả hoạt động của liên đoàn/hiệp hội võ cổ truyền Việt Nam. Hội thảo thống nhất: Cần ổn định tổ chức của các liên đoàn võ cổ truyền từ Trung ương đến địa phương; phấn đấu đưa võ cổ truyền Việt Nam vào hệ thống thi đấu SEA Games; lập hồ sơ để nghị ghi danh võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Hội thảo, Ts. Nguyễn Thị Phương Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL) chia sẻ: Chúng ta cần phát huy vai trò võ cổ truyền trong giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên. Để phát triển võ cổ truyền trong học đường, cần phải có sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành liên quan trong xây dựng kế hoạch triển khai, làm tốt công tác truyền thông về vai trò và niềm tự hào dân tộc trong từng môn phái. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tăng cường và phát huy vai trò tiên phong của các võ đường đang có thể mạnh.
Cũng theo Ts. Nguyễn Thị Phương Loan, các địa phương cần xây dựng kế hoạch giảng dạy và thống nhất giáo trình, tăng cường tập huấn cho giáo viên. Định kỳ tổ chức các giải thi đấu cho các lứa tuổi, có chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên đoạt giải, tạo động lực cho những người tham gia tập luyện. Nâng cao hiệu quả sử dụng sân chơi, các công trình văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương.
Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện có; xã hội hóa các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh thiếu niên và nhi đồng. Phát huy vai trò của đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội thực hiện tốt công tác xã hội hóa, ưu tiên về sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, hỗ trợ về tài chính cho các võ đường.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Phong - Viện Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam đề xuất, Bộ VHTT&DL sớm tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan để triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ ban hành về việc tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, tôn vinh, đào tạo, phục hưng nền võ học Việt Nam nói chung và võ cổ truyền dân tộc nói riêng, trong đó tập trung nghiên cứu phục dựng lại ngôi Võ Miếu của TP. Hà Nội, công nhận võ học dân tộc là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; đồng thời lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa đại diện nhân loại”.
Ngoài ra, ông Phạm Đình Phong cũng đề nghị Bộ VHTT&DL, Cục TDTT xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hình thành các đội tuyển võ cổ truyền dân tộc, cấp kinh phí tập luyện quanh năm tương tự như các đội tuyển võ ngoại: Taewondon, Karate, Pencat Silat… để vừa nâng cao trình độ đỉnh cao, vừa làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế… Chưa kể, cần có các giải pháp căn cơ mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững, nhất là đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các nhà thi đấu, trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn, truyền bá mang tầm quốc gia và quốc tế.
Còn theo ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định, trong thời gian qua, sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, qua việc ngày càng nhiều võ đường, CLB võ cổ truyền được thành lập và phát triển rộng khắp trong cả nước. Nhiều vận động viên võ cổ truyền tham gia thi đấu các bộ môn võ thuật khác nhau như Kickboxing, Muay, Wushu, Boxing, Pencaksilat và mới nhất là bộ môn Kun Bokator đạt được nhiều thành tích cao tại các giải đấu trong nước và quốc tế.
“Để bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới, đầu tiên, phải tạo sự kết nối giữa võ cổ truyền đối kháng và hội thi chính là gìn giữ nét đặc trưng, văn hóa của võ cổ truyền Việt Nam. Kế tiếp là số hóa trong công tác quản lý chuyên môn và phân cấp hệ thống các giải đấu góp phần nâng cao việc phòng chống tiêu cực trong thể thao. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống quản lý trình độ chuyên môn các võ sinh từng cấp thông qua cấp mã số định danh chuyên môn cho võ sinh, góp phần nhận diện từng võ sinh ngay từ ban đầu; số hóa quản lý chuyên môn đối với võ sinh, VĐV; rà soát hồ sơ nhân sự và đánh giá trình độ chuyên môn bằng mã định danh; cần thiết phải xây dựng hệ thống thi đấu các giải theo đúng cấp độ có sự ràng buộc về chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên…”, ông Hiếu gợi ý.