Đánh giá đúng thực tế
Từ đầu năm đến nay, có 13 tàu cá/107 ngư dân ở huyện Phù Cát và Hoài Nhơn bị nước ngoài bắt giữ, giảm 4 tàu/13 ngư dân so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, sự nỗ lực của tỉnh và một số tỉnh, thành khác vẫn chưa thuyết phục được EC gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam.
Trong tháng 9 và tháng 10/2018, Ðoàn công tác của Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Định. Do vậy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp, nhằm đảm bảo yêu cầu của Ðoàn công tác.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho hay: Việc kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất bến, nhập bến gặp rất nhiều khó khăn, bởi các thành viên tổ thường trực tại các cảng cá không nhiều, lại làm việc kiêm nhiệm, rất khó đảm bảo túc trực 24/24 giờ tại các cảng cá. Trong khi đó, tàu cá của ngư dân hoạt động theo kỳ trăng, số tàu nhập bến thường tập trung 12 ngày trong tháng, thời gian kiểm tra 1 tàu cá khá dài, nên không thể bố trí đầy đủ lực lượng để thực thi nhiệm vụ. Hơn nữa, hiện có 48% tàu cá trong tỉnh bị trễ hạn đăng kiểm, chưa gia hạn giấy phép KTTS, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nên không đủ điều kiện kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy xác nhận cho tàu cá xuất, nhập bến.
Chủ động triển khai nhiều biện pháp
Tại Hội nghị đánh giá kết quả và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC, diễn ra trong tháng 8/2018 tại TP. Quy Nhơn, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu, ngành chức năng, chính quyền các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp để Đoàn công tác của EC có cơ sở đánh giá và xem xét xóa bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Về kế hoạch ứng phó với “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam từ nay đến tháng 1/2019, ông Trần Châu yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện quyết liệt, không được phép lơ là, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp thiết của các địa phương, đơn vị.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, Sở NN&PTNT đã xây dựng đề án tổ chức thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và triển khai các giải pháp cấp bách theo quy định IUU trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Theo đó, Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và huyện Hoài Nhơn thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến theo quy định tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan. Rà soát, sắp xếp lại tổ chức quản lý của Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Lập danh sách tàu cá thuộc diện “nhạy cảm” dễ vi phạm vùng biển nước ngoài, gửi các địa phương để tổ chức tuyên truyền, yêu cầu chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước khác.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Bình Định tham mưu xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý hoạt động nghề cá, quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo các quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình công tác xác nhận và chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Thực hiện nâng cấp, xây dựng các trạm bờ, đảm bảo tiếp nhận báo cáo vị trí tự động của các tàu cá trên biển; đồng thời, tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý tàu cá hoạt động KTTS vi phạm quy định IUU. Đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp Sở NN&PTNT xây dựng 3 đề án thành lập: Cơ quan kiểm ngư, trung tâm đăng kiểm tàu cá, quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cần chỉ đạo các huyện, thành phố ven biển thực hiện quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài.
PHƯƠNG LÊ