Mí Na bên phải bên bếp lửa của gia đìnhTừ bao đời nay, người Tây Nguyên không chỉ nhóm lửa để nấu nướng, mà còn để giữ hơi ấm cho gia đình, thắp sáng ngôi nhà trong những ngày đông lạnh giá, hay xua tan bóng tối những ngày mưa dầm. Bếp củi không chỉ là nơi chế biến món ăn mà còn nuôi dưỡng tâm hồn con người. Biết bao món ăn đượm mùi khói, hương thơm nồng nàn vấn vít. “Khói về kia ăn cơm với cá. Khói về đây lấy lá chặn đầu” - câu ca ấy như khắc ghi tình cảm sâu đậm với bếp lửa quê nhà. Những củ khoai, bắp tươi vùi trong tro nóng, hạt đậu nổ rền trên bếp than hồng… tất cả tạo nên hương vị khó quên, khiến ai đi xa cũng nhớ thương, mong ngày trở về để tận hưởng lại những món ăn quen thuộc chốn quê nhà.
Bếp của nhà AMa H'Mai (buôn Ko Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đặt giữa gian chính ngôi nhàBếp củi không chỉ là nơi nấu ăn mà còn là không gian lưu giữ ký ức và bảo tồn văn hóa. Những nong nia, dụng cụ nhà nông đặt trên giàn bếp, lâu ngày nhuốm màu khói lửa, trở nên đen bóng nhưng không hề bị mối mọt. Những hạt giống quý được cất giữ cẩn thận trong trái bầu khô, treo trên giàn bếp, chờ ngày gieo trồng. Nhờ vậy, nhiều giống cây bản địa vẫn tồn tại bền bỉ, không bị mai một trước sự xâm lấn của các giống lai tạo mới.
Ngày nay, dù bếp gas, bếp điện đã xuất hiện ở nhiều buôn làng, nhưng bếp củi vẫn giữ một chỗ đứng vững chắc trong lòng người Tây Nguyên. Mí Na (mí nghĩa là mế, mẹ), một phụ nữ Ê Đê ở buôn Cư M Tao, xã Ea Sin, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk gắn bó với bếp lửa từ thuở nhỏ, chia sẻ: “Bếp củi không chỉ để nấu ăn, mà còn gửi gắm vào đó hương khói đặc trưng. Hương ấy len vào từng bát canh, từng con cá nướng, thấm đượm vào quả bầu khô và những ché rượu cần được hong trên gác bếp… Cái mùi thơm ấy, không quên được”.
Mẹ con Mí Na cùng làm rượu cầnMí Na có nghề làm rượu cần - một thức uống được xem là linh hồn của văn hóa Tây Nguyên. Bí quyết để tạo nên hương vị rượu cần đặc trưng của Mí Na nằm ở cách ủ men. Thay vì phơi nắng như nhiều người khác, Mí Na hong khô men lên giàn bếp có khói từ củi cây hem. Cây hem, sau khi được lấy lá và vỏ giã làm men, phần thân lõi được đốt lên, tỏa hương thơm đặc trưng, ngấm vào men rượu, tạo nên vị khác biệt không lẫn vào đâu được. Những ai sành rượu cần, chỉ cần nhấp môi là nhận ra ngay hương khói đặc trưng của bếp củi.
Cây hem tươi lá và vỏ lấy làm menMột nét riêng của bếp củi Tây Nguyên là sự chỉn chu trong việc chọn và xếp củi. Vì bếp được đặt trong nhà, trên sàn gỗ hoặc liếp tre, nên củi được nhiều gia đình chặt đều, xếp gọn gàng, để tránh nguy cơ gây cháy.
Trong căn bếp nhà Mí Na, tiếng củi nổ tí tách, khói bếp bay lững lờ vẽ lên vách tre những vệt thời gian. Quanh bếp, mẹ con quây quần bên nhau, cùng pha chế cà phê, kể chuyện ngày xưa. Ngoài kia, gió đại ngàn vẫn miệt mài thổi qua những rẫy cà phê, như một lời nhắc nhớ về nền văn hóa bền bỉ và giàu bản sắc của người Tây Nguyên.