Ngoài sân, từng đụn sương mù sà xuống mặt đất càng làm cho trời tối hơn. Trong nhà yên ắng vì mọi người đang chìm trong giấc ngủ ngon lành thì Ama đã lụi hụi chất bếp, nấu cơm để sáng ra có cơm nắm cho cả nhà mang theo đi làm nương.
Mãi cho đến lúc mùi cơm gạo đỏ theo gió lan đến cửa buồng tôi, tôi mới trở mình, hít hà mùi lúa mới rồi ngồi dậy. Ngoài trời đã hửng sáng, sương mù chỉ còn giăng nhè nhẹ, tản mát trong không gian. Nhìn sang gian bếp, thấy Ama đang cặm cụi gọt khoai tây. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian vì hôm trước, tôi nghe Ama than: “Khoai tây năm nay cho củ nhỏ quá”. Nhìn mẹ tỉ mẩn gọt từng củ khoai tây mất mùa chỉ nhỏ bằng ngón tay út, tôi sà xuống nũng nịu: “Con làm cùng mẹ cho nhanh”. Mẹ cười hiền: “Thôi, ra sau nhà rửa mặt đánh răng rồi vào ăn sáng còn đi, con”.
Tôi thường nghĩ, trong gia đình, mẹ là người tất bật nhất. Ngoài những buổi làm việc vất vả trên nương, rẫy, lúc nào tôi cũng thấy mẹ không ngơi tay làm việc nhà. Hình như mẹ luôn nghĩ rằng hôm nay nên nấu những món ăn gì cho bố con tôi. Nhiều việc là vậy, nhưng chẳng khi nào trên nét mặt mẹ vương vẻ buồn bã, mệt mỏi. Gương mặt lấm tấm mồ hôi ấy luôn sáng bừng niềm vui mỗi khi thấy bố con tôi ăn ngon miệng. Thì ra, đó là hạnh phúc lớn lao của đời mẹ...
Tôi nghe bố kể rằng, bếp của mẹ chính là do bàn tay của bố làm nên. Bố thưng gỗ 3 phía rồi dùng đất sét nện chặt, sau đó khoét 2 lỗ ở bên trên vừa đủ đặt nồi cơm và ấm đun nước. Ở bếp đặt ấm đun nước, bố cũng chỉ khoét 2 lỗ bên cạnh để bỏ củi nhóm lò nhằm tận dụng ngọn lửa. Bố giải thích: “Như thế, mẹ chất 1 bếp có thể nấu được cả 2 bên: Bếp phía trong ít lửa hơn thì để ủ cơm nóng hoặc hầm thức ăn. Mẹ sẽ bớt mệt hơn khi ngồi nấu ăn trong bếp”... Lớn lên rồi tôi mới hiểu, ở thời đại bây giờ, chúng tôi có thể sắm cho vợ chiếc bếp ga thuận tiện. Ngày xưa, người đàn ông nghèo khó như bố tôi, bằng tình yêu thương cũng có thể san sẻ nhọc nhằn với vợ bằng chiếc bếp tự tạo...
Hai mươi năm trôi qua, bố tôi đã khuất núi, trở về nằm cạnh ông bà, tổ tiên. Tôi thu xếp công việc cơ quan rồi cùng vợ, con về làm giỗ bốn chín ngày cho bố. Tôi bước qua bậc cửa gỗ cao vào trong bếp. Nhìn từ đằng sau mới thấy mẹ tôi đã già, cái lưng khom bốn mùa vì leo núi, giờ còng xuống chất bếp nấu cơm chờ đứa con xa lâu ngày trở lại quê hương... Tiếng mẹ trầm đục vang lên: “Thằng Mìn sắp bát đũa ăn cơm”. Tôi – quên mất mình nay đã là cán bộ tỉnh, lại chạy loăng quăng giúp mẹ như thuở trước...
Bữa cơm gia đình vẫn giản đơn như ngày tôi còn thơ bé. Bên cạnh những đĩa thịt, rau, mẹ đặt thêm một đĩa khoai tây trước mặt tôi. Rồi mẹ xúc thêm một bát, đặt đôi đũa và lấy thêm ghế mây đặt vào góc bố thường ngồi. Thấy mẹ đờ đẫn nhìn khoảng không gian ấy. Vợ tôi bảo: “Năm nay chúng con xin phép được đón mẹ ra nhà con ở cùng cho có mẹ, có con. Cháu Tuấn có bà trông dạy”. Mẹ lắc đầu: “Cảm ơn các con... nhưng gian bếp của mẹ chất đầy kỷ niệm về bố... mẹ không xa được”. Tôi gượng cười: “Thế con mua tặng mẹ một chiếc điện thoại để thỉnh thoảng lại được nghe giọng mẹ nói”. Mẹ xoa tay: “Không cần, mẹ chỉ mong cuối tháng, vợ chồng con cái về ăn bữa cơm mẹ nấu...”.
Tôi lặng đắng người khi nhìn chiếc bếp kỷ niệm bố làm tặng mẹ ngày về nhà mới. Bố ơi, biết mùa này ai cùng mẹ lên nương trỉa ngô, phát cỏ để trồng vụ sau?