Đã cải thiện nhưng vẫn chậm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có công văn hỏa tốc gửi các bộ, ngành, địa phương đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ trong 11 tháng năm 2024. Trong đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ những tồn tại, hạn chế, diễn biến mới phát sinh đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 11 tháng, dự báo các tháng còn lại của năm 2024, nhất là tình hình giải ngân vốn các Chương trình MTQG.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG, các địa phương đã quyết liệt tổ chức thực hiện; nhờ đó tỷ lệ giải ngân các Chương trình MTQG được cải thiện đáng kể. Hết quý III, nhiều địa phương đã nâng tỷ lệ giải ngân lên trên 50%, như: Quảng Bình (70%); Bình Định (60%); Lạng Sơn (70%). Ngoài ra, các tỉnh: Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lai Châu... đều đạt tỷ lệ giải ngân từ 50% trở lên.
Đặc biệt, một số địa phương đã có sự bứt phá trong giải ngân vốn. Từ tháng 7 đến hết tháng 9/2024, có những tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ như: Hòa Bình (từ 15% lên 54%), Nam Định (từ 10% lên 51%), Phú Yên (từ 15% lên 32%);... Tính chung cả nước, hết quý III, tỷ lệ giải ngân các Chương trình MTQG ước đạt trên 15.054 tỷ đồng, đạt 55,31% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tăng gần 12% so với thời điểm tháng 8/2024.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình MTQG thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công tính đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, mới đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong khi mục tiêu đến hết năm 2024 phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.
Mặc dù đã cải thiện hơn trong những tháng cuối năm, nhưng tình hình giải ngân vốn vẫn còn cách rất xa mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Chính phủ phấn đấu giải ngân 98% nguồn vốn đầu tư và 95% nguồn vốn sự nghiệp của các Chương trình MTQG phân bổ trong năm 2024. Nếu tính tại thời điểm Bộ Tài chính báo cáo (tháng 9) thì tình hình giải ngân vốn mới chớm vượt qua ½ lộ trình.
Thời gian không còn nhiều, trong khi khó khăn vẫn hiện hữu. Các khó khăn đều đã được “chỉ mặt, đặt tên” nhưng vẫn chưa có lời giải cuối cùng. Nguy cơ không hoàn thành mục tiêu, buộc phải trình cấp có thẩm quyền cho phép chuyển vốn năm 2024 sang thực hiện trong năm 2025 càng lúc càng hiện rõ nếu không có những bước đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và sự tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
“Bắt bệnh” chậm giải ngân
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, sang năm 2025 sẽ tiến hành tổng kết các Chương trình MTQG để kết thúc cho giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan đầu mối các chương trình, từ đó có giải pháp hữu hiệu để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn.
Nghiên cứu báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) quan tâm tới tình hình thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đại biểu Lịch, mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp.
“Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp mới năm 2024 mới đạt 8%. Nếu cả giai đoạn như vậy thì việc tạo sinh kế cho người dân theo mục tiêu đặt ra đã đảm bảo hay chưa? Chúng ta phải có báo cáo đánh giá tổng kết thực hiện cả giai đoạn I”, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị.
Chỉ rõ một số khó khăn, tồn tại hiện nay, các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan, khá phổ biến là do sợ vi phạm pháp luật. Đây cũng là đánh giá của Bộ Tài chính trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ Tài chính, các địa phương còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt trong thực hiện và giải ngân vốn, nhất là trong triển khai giải ngân nguồn vốn chi thường xuyên; chậm tổ chức triển khai thực hiện (chậm phân bổ kế hoạch vốn, giao dự toán; chậm lập, phê duyệt dự án đầu tư, đối tượng hỗ trợ).
Trước thực tế giải ngân vốn các Chương trình MTQG, đã có ý kiến của ĐBQH đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đến 31/12/2025. Nhiều ý kiến của ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo để sửa đổi kịp thời Quyết định 1719/QĐ-TTg; đồng thời đề nghị khi xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030, không phân bổ vốn cụ thể theo dự án, tiểu dự án, mà nghiên cứu phân bổ ra nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đầu tư riêng nhưng không phân chi tiết để địa phương chủ động triển khai.