Những sản phẩm tiềm năng
Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát hiện đang sở hữu 7 sản phẩm OCOP 4 sao và 6 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm của Công ty như trà túi lọc, trà hòa tan, viên hoàn, cao… từ 100% dược liệu thiên nhiên, sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Đây là những sản phẩm tiềm năng ở vùng Trà Lân (huyện Con Cuông), đang dần chinh phục thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Anh Phan Xuân Diện, Giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát chia sẻ: Ngoài vùng nguyên liệu hơn 4ha do Công ty tự trồng, anh đã liên kết bao tiêu sản phẩm với hàng chục hộ người DTTS tại các xã Cam Lâm, Lục Dạ, Thạch Ngàn, Lạng Khê trồng hơn 4ha cây dược liệu làm nguyên liệu chế biến. Hiện, 6 công nhân kỹ thuật phụ trách tại nhà xưởng đều có trình độ đại học và là con em đồng bào DTTS, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng. Công ty còn tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 15 - 20 lao động cũng là người DTTS với mức thu nhập 160.000 đồng/ngày.
Cũng mô hình kinh tế tiềm năng ở vùng miền núi Nghệ An, Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, Châu Tiến (Quỳ Châu) đang có hàng chục sản phẩm thủ công từ thổ cẩm và đã có 2 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Cái nôi của thổ cẩm vùng Tây Bắc xứ Nghệ có lịch sử từ hàng trăm năm, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng trong từng sản phẩm thổ cẩm.
Ngoài thị trường trong nước, thổ cẩm Hoa Tiến đã vượt núi, vượt rừng để đến với nhiều nước trên thế giới. Bà Sầm Thị Bích, người đại diện của Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết: Đã có hàng chục hộ dân, với hàng chục lao động có việc làm, có thu nhập từ bán sản phẩm thổ cẩm. Chúng tôi rất vui, là sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, mở ra triển vọng cho bà con theo nghề truyền thống.
Tính đến hết tháng 11/2024, tại 11 huyện miền núi Nghệ An, đang có 233 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 224 sản phẩm 3 sao và 9 sản phẩm 4 sao; và trong số này đã có 3 sản phẩm xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới.
Điều đáng chú ý, các sản phẩm nông nghiệp OCOP đang có sự tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Hiệu quả mô hình vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân, nhóm hộ; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương…
Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An trao đổi: Thực tế, vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An trải dài trên địa giới 11 huyện, thị, rất giàu tiềm năng và thế mạnh về khí hậu đất đai, con người… trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Bằng chứng là, đã có hàng trăm sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, có sản phẩm đã xuất khẩu. UBND tỉnh luôn khuyến khích, động viên, có cơ chế hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp nâng tầm sản phẩm của mình theo hướng chuyên sâu, hiện đại, đa dạng sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
“Bệ đỡ” từ Chương trình MTQG 1719
Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) triển khai ở Nghệ An và đã thiết kế Nội dung 1, Tiểu dự án 2, Dự án 3 để hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là nguồn trợ lực quan trọng để Nghệ An nâng tầm nông sản vùng đồng bào DTTS&MN vốn giàu tiềm năng và thế mạnh. Theo đó, đến nay đã có 156 hộ DTTS tham gia dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 74 dự án/kế hoạch phát triển sản xuất cộng đồng, 2.482 hộ tham gia dự án phát triển sản xuất cộng đồng…
Trong số hàng trăm sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An, nhiều sản phẩm đang được sản xuất theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Tức là, các sản phẩm được hộ dân, nhóm hộ, hợp tác xã, công ty sản xuất sản phẩm, qua chế biến, rồi phân phối ra thị trường. Cũng có dòng sản phẩm, được hộ dân, nhóm hộ, hợp tác xã, công ty thu mua lại, rồi đưa đến tay người tiêu dùng, sau khi đã qua công đoạn chế biến.
Có thêm nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, người dân vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An như càng thêm dư địa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán theo chuỗi giá trị.
Nhìn nhận từ 2 sản phẩm OCOP đã nêu ở phần 1, của Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến và Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát được sản xuất theo chuỗi giá trị. Nguyên liệu thô từ dược liệu, từ sợi vải, sợi bông được chế biến qua các dây chuyền sản xuất, cho ra các sản phẩm, rồi phân phối thị trường. Như vậy, sản phẩm đã được nâng chất về chất và lượng, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia theo chuỗi.
Dẫu có tiềm năng, thế mạnh và thêm trợ lực từ Chương trình MTQG 1719, nhưng việc nâng tầm nông sản vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Bên cạnh đó, quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các qui định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.
Sản phẩm OCOP đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục. Doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ; nhiều chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào DTTS, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.
Để nâng tầm sản phẩm vùng miền núi, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, nhấn mạnh: Phải khắc phục được những hạn chế, thiếu sót ở trên… gắn với việc tăng cường kêu gọi hợp tác, hỗ trợ từ nguồn lực bên ngoài trong việc chuyển đổi từ các kênh tiêu thụ truyền thống sang các kênh bán hàng hiện đại.
Ngoài việc cải thiện quy trình và công nghệ chế biến, xúc tiến thương mại hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số… cần tập trung, phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP để tạo ra giá trị thu nhập tăng thêm trên từng sản phẩm. Hiện nay, Nghệ An đang nỗ lực xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.