Theo đó, Đề án đặt chỉ tiêu đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ, phục hồi; phát triển nghề dệt thổ cẩm; 100% thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao; 60 - 70% công chức các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu…
UBND TP giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công trong công tác bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận động đồng bào bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc; kêu gọi đầu tư các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào tham gia giao lưu ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch với những dân tộc ở các địa phương, vùng, miền.
Sở Du lịch tổ chức các đoàn khảo sát điểm du lịch văn hóa, cộng đồng của người đồng bào DTTS; kết nối Hiệp hội Du lịch Thành phố, các doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia về phát triển du lịch cộng đồng trong và ngoài nước, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phổ biến kiến thức về văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu dưới hình thức một môn học hoặc tổ chức hoạt động ngoại khóa; Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật vận động hội viên tham gia các hoạt động sưu tầm, sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về dân tộc Cơ Tu...