Đặc sắc nghệ thuật hát A day
Hát Aday được trình diễn trong các dịp lễ hội, dần dần loại hình nghệ thuật này có mặt trong các nghi lễ gia đình hay các cuộc vui trong phum, sóc. Người hát Aday một bên nam và bên nữ vừa hát, vừa đối đáp đan xen nhau trên nền nhạc. Có khi là một lời ví von quen thuộc, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn. Đôi khi lối hát đối đáp Aday còn kèm các điệu múa, vừa múa vừa hát đối nhau hoặc có thể hóa trang bằng mặt nạ… Họ đối nhau, bẻ nhau bằng nhiều câu hát đố, ai không đáp được coi như thua cuộc và người bạn phải cất tiếng hát đáp thay.
Múa trong hát Aday là điệu múa tổng hợp, gồm cả điệu rom vong, lăm lêu… Động tác tay múa, tay “chip” còn gọi là bắt, thể hiện sự khéo léo, đẹp đẽ, dịu dàng, kín đáo… Tay “khuôn”, còn gọi là cuộn tròn, hay cuộn vào thể hiện tính mạnh mẽ, dứt khoát. Tay “rồn”, còn gọi là che, như một tư thế che nắng, làm duyên. Tay “chòn - ol”, còn gọi là động tác chỉ, mách bảo cho biết trạng thái tâm tư (buồn, thương, giận, ghét). Cùng với động tác tay, là động tác nhích vai, lắc mông và những bước đi vờn nhau, tình tứ, yêu đời, trêu ghẹo, châm chọc.
Anh Huỳnh Út, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dù kê, phường III, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: Tùy vào từng bối cảnh, lễ hội, nghi lễ gia đình hay sinh hoạt cộng đồng, mà người hát Aday có thể sử dụng bài hát truyền thống hoặc viết lời mới hoặc ứng tác tại chỗ. Các bài hiện có như cổ vũ đua ghe ngo, ca ngợi, chúc phúc trong nghi lễ gia đình; trong sinh hoạt cộng đồng có các bài ca nói về đạo đức, lối sống; nay có cả bài về xây dựng đời sống văn hóa, cổ vũ thanh niên tòng quân, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Các bài nhạc đệm cho hát Aday được chọn từ bản nhạc đệm của lối hát đối đáp hay tuồng tích hát dù kê, hay nhạc múa truyền thống. Điệu nhạc phổ biến nhất sử dụng cho tới bây giờ là bản đờn Phum Phuông, Prop kai. Thỉnh thoảng dùng nhạc múa lăm lêu… Dàn nhạc đệm cho hát Aday, nếu đầy đủ có thể 5 - 6 nhạc cụ truyền thống...
Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai, thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Giai đoạn 2016 - 2020, nhận thấy nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam Bộ có nguy cơ mai một, tỉnh Hậu Giang đã triển khai Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam Bộ”.
Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã tiếp thêm nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Khmer nói riêng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết: “Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, có 6 chùa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được hỗ trợ nhạc cụ và trang phục cho loại hình nghệ thuật Aday. Một bộ nhạc gồm 6 nhạc cụ (trống Aday, đờn cò, gáo, bá nguyệt, sáo trúc và chum); 10 bộ trang phục dành cho ca sĩ nam, nữ và nhạc công với giá trị trên 200 triệu đồng; qua đó phát hiện, chăm lo bồi dưỡng những nhân tố mới cho nghệ thuật độc đáo này”.
Từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, giữa năm 2022, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây vừa là niềm vinh dự của địa phương nhưng cũng đặt ra trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Aday.
Ông Phan Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ cho biết: Sau khi nghệ thuật hát Aday được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xã đã được đầu tư kinh phí từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 xây dựng 2 sân khấu phục vụ biểu diễn ở chùa ấp 4 và ấp 5, củng cố các CLB hát Aday.
Ông Danh Kỳ, Chủ nhiệm CLB hát Aday ấp 4, xã Xà Phiên phấn khởi cho hay: “Tôi sẽ cùng nhiều nghệ nhân khác nỗ lực truyền nghề cho con cháu, cho lớp trẻ, để cùng nhau bảo tồn và đưa bộ môn nghệ thuật này vào cuộc sống”.