Nằm trên con phố cổ sầm uất của Thủ đô Hà Nội, nhưng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam luôn trong tình trạng vắng khách, kể cả cuối tuần. Lượng khách đến đây chỉ lác đác đếm trên đầu ngón tay. Bảo tàng Hà Nội với cơ ngơi hoành tráng nằm trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng trong tình trạng đìu hiu tương tự…
Có thể thấy, thiếu sức sống, vắng khách… đang là thực trạng chung của nhiều bảo tàng, triển lãm hiện nay. Hỏi người dân, những câu trả lời chúng tôi nhận được cũng giống nhau: “Không hấp dẫn, không thích”.
Ông Nguyễn Văn Bão (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết: “Tôi rất yêu thích lịch sử, nhưng cũng ít lui tới các bảo tàng, triển lãm lịch sử để xem. Một phần do ngại đi lại, phần nhiều tôi thấy cách làm bảo tàng hiện nay chưa sống động, chỉ trưng bày tĩnh một cách đơn điệu”.
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có gần 200 bảo tàng Nhà nước và tư nhân đang mở cửa, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Có nơi trưng bày quá dư thừa mà thiếu trọng tâm, có chỗ lại khá nghèo nàn, bày trí thiếu khoa học. Một số bảo tàng, thông tin giới thiệu lại sơ sài, đội ngũ thuyết minh non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn…
Thử so sánh, một số bảo tàng tại Việt Nam hiện nay, số bảo tàng thu hút đông du khách hơn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với cách trưng bày đa dạng, phong phú, cùng với việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có vẻ đông khách hơn.
Việc thay đổi tư duy với khu trưng bày ngoài trời, tái hiện chân thực đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam đã tạo ra sức hút đối với du khách. Cùng với đó, khách thăm quan còn được tham dự các hoạt động giao lưu văn hóa, trẻ em có cơ hội để khám phá các giá trị văn hóa-lịch sử phù hợp với lứa tuổi... Nhờ vậy, khách thăm quan thuộc nhiều thế hệ khác nhau đều có được những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa. Có thể thấy, thay đổi mạnh mẽ về cách làm bảo tàng để phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng.
Theo các chuyên gia, nên chăng ngành Bảo tàng nước ta cần phải có một cuộc “đại phẫu”. Rất nhiều bảo tàng hiện nay vẫn làm bảo tàng như làm thông sử, nghĩa là lịch sử diễn ra như thế nào thì bảo tàng cũng trình bày tuần tự theo đúng các giai đoạn lịch sử đó. Người đến bảo tàng họ muốn tìm kiếm thông tin, sức sống của tư liệu hiện vật, tính ứng dụng và câu chuyện của hiện vật đó từng có là gì… đều không thấy.
Rõ ràng, nếu hoạt động của bảo tàng không lấy khách thăm quan làm trung tâm, không lấy mục tiêu phục vụ cộng đồng làm trọng, thì tất yếu sẽ bị đào thải. Việc thay đổi cách tổ chức, vận hành hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung và nhu cầu của cộng đồng đang là một đòi hỏi bức thiết. Hiện nay, mô hình “bảo tàng thông minh” với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng dù sự tham gia của công nghệ vào lĩnh vực bảo tàng có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế được vai trò của con người. Cách làm, cách quản lý, vận hành bảo tàng của chính con người sẽ là bước đi quan trọng để thu hút du khách của các bảo tàng hiện nay.