Làng nghề bánh đa Chòm nằm bên bờ sông Chu, Thiệu Châu, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Bánh đa làng Chòm đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Những người dân làng Chòm cũng không còn nhớ nghề làm bánh đa có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra thì tên làng Chòm đã gắn liền với nghề làm bánh đa. Trải qua bao thăng trầm thì nét độc đáo của những chiếc bánh đa vẫn được những người con dân làng Chòm lưu truyền đến tận ngày nay.
Bánh đa làng Chòm dày và nhiều vừng hơn hẳn nên thơm và ngon hơn. Những làng nghề khác khi làm bánh đa thường pha chế nhiều loại nguyên liệu như khoai, sắn, bột nghệ,… để làm cho bánh đẹp và ấn tượng thì bánh đa làng Chòm tạo nên sự đặc trưng từ chính những thứ giản dị nhất đó là lạc và vừng. Theo những người thợ làm bánh tại làng Chòm thì bánh được làm hoàn toàn bằng bột gạo thì khi nướng xong mới giữ được độ giòn và thơm lâu.
Khâu quan trọng được người thợ chú trọng đó là quạt bánh. Người thợ làng Chòm như một nghệ nhân với đôi tay khéo léo giữ đều gió, đều lửa, lật bánh đều nên bánh chín đều và vàng rộm tự nhiên. Ngoài ra bí quyết mà những người thợ bánh làng Chòm vẫn truyền tai nhau đó là khi quạt bánh phải dùng than hoa gốc vừa cháy lâu và lửa lại đượm và đều.
Mỗi người con dân làng Chòm vẫn luôn ý thức giữ gìn tinh hoa của làng nghề truyền thống vốn là niềm tự hào của làng Chòm bao đời. Bánh đa làng Chòm từ món quà quê thôn dã nay đã trở thành đặc sản truyền thống được nhiều người biết đến.
BTK