Nụ cười hiền, đôi mắt to tròn và câu chuyện đời, chuyện nghề, những boăn khoăn, trăn trở của ông về đồng bào đã làm tôi ấn tượng và quý mến người đàn ông này.
Chữa bệnh miễn phí ở nhàĐến huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk hỏi về bác sĩ Y Sĩ Buôn Đáp thì hầu như ai cũng biết, bởi đôi chân ông đã đi hầu khắp các buôn làng để chữa bệnh và tuyên truyền người dân. Không những vậy, khi ở nhà ông còn tranh thủ hành nghề một cách miễn phí.
Tâm sự về việc làm của mình. Bác sĩ Y Sĩ cho biết: “Tôi xuất thân từ nhà nông nên hiểu giá trị của đồng tiền, giá trị của sự yêu thương, san sẻ. “Sống là để cho, đâu chỉ nhận” nên tôi không có ý định mở phòng khám, tôi chỉ tâm niệm, ngoài giờ làm về đến nhà, bất cứ người dân nào cần thăm khám, điều trị đơn giản mình có thể giúp đỡ, hỗ trợ một phần nào, đó cũng là vốn quý”, bác sĩ Y Sĩ chia sẻ.
Không chỉ làm tốt vai trò của một bác sĩ, mà trong những năm qua, Y Sĩ còn thực sự trở thành một tuyên truyền viên, phiên dịch viên cho đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Bản thân Y Sĩ nỗ lực học tập để nói được thông thạo 4 thứ tiếng đồng bào dân tộc gồm Jrai, Ê-đê, M’nông, Cơ-ho.
Vì vậy, trong các cuộc họp, làm việc giữa buôn với đồng bào địa phương, Y Sĩ luôn được người dân tin tưởng, nghe theo trong công tác dân vận; tuyên truyền các chính sách của Nhà nước và nâng cao nhận thức, sức khỏe cộng đồng của người dân. Theo bác sĩ Y Sĩ, so với ngày xưa, các hủ tục, mê tín dị đoan đã dần loại bỏ nhờ công tác vận động, tuyên truyền hiệu quả của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay ông vẫn luôn trăn trở việc chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS di cư tự do bởi họ di cư ngoài hoạch định, sống biệt lập với cộng đồng. Vì vậy, bác sĩ Y Sĩ đã tự nguyện đến sống tại những buôn có đông đồng bào di cư nhiều năm nay để giúp đồng bào nâng cao nhận thức, bảo vệ môi trường, sinh đẻ có kế hoạch...
“Thời còn trẻ tôi suy nghĩ rằng phải đi đến những nơi mà điều kiện đời sống của người dân còn khốn khó giúp đỡ cho bà con. Đối với đồng bào di cư từ phía Bắc vào ngôn ngữ của họ khác hẳn đồng bào Tây Nguyên. Cuộc sống của họ thường khép kín và giữ nhiều phong tục lạc hậu nên việc vận động gặp rất nhiều khó khăn”, ông Y Sĩ nhớ lại.
Trải qua quá trình cùng sống, cùng ăn với người dân, ông Y Sĩ dần thấu hiểu và “được lòng” người dân. Nhờ sự giúp đỡ của ông, nhận thức của người DTTS di cư tự do ở huyện Lăk đã thay đổi trong việc áp dụng biện pháp tránh thai, tiêm chủng cho trẻ nhỏ dần được nâng lên.
Trăn trở chuyện đời, chuyện nghềNgày thầy thuốc Việt Nam lại sắp sửa đến trong lòng người bác sĩ dân tộc M’nông ấy cũng tràn đầy tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Y sĩ trầm ngâm kể lại những kỷ niệm của đời mình, bắt đầu từ chuyện họ tên của ông. “Tôi tên là Y Sĩ, họ Buôn Dap, vậy mà lúc đi thi cao học, suýt chút nữa bị “mời” ra khỏi phòng thi vì giám thị nghĩ tên của tôi là Buôn Dap còn “Y Sĩ” là chức danh trong nghề…”.
Lần ngược lại quá khứ, cũng như biết bao người con của đồng bào DTTS Tây Nguyên, chuyện đi học thành nghề rồi thành tài của ông như một giấc mơ dài. Bác sĩ Y Sĩ Buôn Dap sinh ra trong gia đình có 6 người con ở buôn Za Tu, xã Buôn Triết, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk. Ông kể: thời đó việc biết mặt con chữ đã là một thứ xa sỉ. Hằng ngày tôi đi bộ hơn 6km, băng qua rừng, lội suối đi học, đôi dép cũng chẳng có mà đi phải đi chân đất.
“Phần vì nghèo đói, phần vì đường sá cách trở nên từ lớp 1 đến lớp 6 có 68 học sinh thì đến lớp 10 rơi rụng hết chỉ có 4 người. chẳng thế mà thế hệ của tôi giờ chỉ có 4 người có công việc ổn định. Nhưng chỉ có tôi theo nghề y, không chỉ chữa bệnh cho đồng bào mà còn giúp họ nâng cao nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu”, ông Y Sĩ chia sẻ.
Gần 20 năm trong nghề, trải qua nhiều công việc khác nhau, giờ ông Y Sĩ đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lăk.“Giờ tôi nghĩ lại đó thật sự là một giấc mơ. Với tôi, khoác áo blouse, được làm việc, cống hiến cho đồng bào quê mình là niềm vinh dự khó diễn tả”-bác sĩ Y Sĩ tâm sự.
LÊ HƯỜNG