Tết Nguyên đán vừa qua, một trận lũ lớn kèm mưa đá đã gây thiệt hại lớn cho người dân xã Quân Hà, huyện Bạch Thông. Đã có hơn 1.000 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 700 nhà bị thủng mái.
Dù xảy ra vào đúng dịp Tết, nhưng với phương châm “4 tại chỗ”, Đội Xung kích phòng, chống thiên tai của xã (Đội xung kích) đã nhanh chóng giúp hàng trăm hộ dân che chắn lại mái nhà, khắc phục sự cố. Ông Hà Kim Tín, thành viên của Đội Xung kích xã Quân Hà cho biết: “Vì là địa bàn có nguy cơ cao xảy ra thiên tai nên xã Quân Hà luôn chú trọng công tác phòng, chống. Khi xảy ra mưa, lũ, chúng tôi đã triển khai đầy đủ các biện pháp, nhờ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân”.
Còn tại xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, từ đầu tháng 4/2020, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai cấp xã do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có 11 thành viên, nòng cốt là thanh niên, dân quân tự vệ, phụ nữ… Ở cấp thôn, đã có 8 thôn thành lập Tổ xung kích Phòng, chống thiên tai do Trưởng thôn làm Tổ trưởng.
Ông Triệu Đức Ngân, Tổ trưởng Tổ xung kích thôn Khuổi Vùa, xã Quảng Bạch cho biết: Ngay khi được thành lập (tháng 4/2020), Tổ xung kích thôn đã kiện toàn và đi vào hoạt động với 7 người. Chúng tôi thành lập nhóm Zalo để cập nhật tình hình thời tiết, nắm các thông tin cảnh báo từ Đài Truyền hình Bắc Kạn và từ Chi cục Thủy lợi tỉnh. Thông tin được chia sẻ lên nhóm để các thành viên nắm và có phương án tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa hoặc di dời người, vật nuôi khi mưa bão. Một tuần, Tổ xung kích họp một lần để kiểm tra các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai như loa phóng thanh, áo phao, cuốc xẻng… để chủ động trong mọi tình huống.
Xóm Khuổi Vùa có 45 hộ dân, Tổ xung kích phân công mỗi thành viên phụ trách 6 - 7 hộ gia đình. Hằng tháng, Tổ xung kích tổ chức tập huấn cứu hộ cứu nạn người trong tình huống mưa lũ, sạt lở đất đá. Nhờ thực hiện việc tuyên truyền thường xuyên, ý thức của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt.
“Từ đầu mùa mưa bão đến nay, địa bàn Khuổi Vùa xảy ra một số trận mưa lớn, nhưng chỉ làm thiệt hại khoảng 1.000m2 hoa màu, không gây thiệt hại về người và tài sản do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền và phòng ngừa”, ông Triệu Đức Ngân khẳng định.
Còn ở xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, hai năm nay, không bị thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai, mưa lũ. Có được thành công đó là nhờ xã đã kiện toàn Tổ xung kích tại 11 xóm. Do đặc thù vùng cao, Tổ xung kích đã sử dụng hệ thống kẻng báo động mỗi khi có mưa lớn hoặc có thông tin cảnh báo thiên tai. “Từ khi thành lập đến nay, tuy chưa xảy ra tình huống thiên tai đột xuất, bất ngờ, nhưng với tính chủ động, chúng tôi luôn sẵn sàng cho các tình huống thiên tai xảy ra”, ông Ngô Văn Tịnh, Trưởng xóm Lũng Noong chia sẻ.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân Lũng Noong đã được nâng lên so với trước. “Tuy là xóm vùng cao, còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi hiểu rằng, phòng, chống thiên tai là công việc thường xuyên, liên tục. Vì vậy, mỗi khi xảy ra mưa bão, người dân đã chủ động trong việc chằng chống nhà cửa, bảo vệ gia súc, gia cầm và hoa màu, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, xóm Lũng Noong không có thiệt hại do thiên tai gây ra”, anh Ngô Văn Đức, một người dân của xóm Lũng Noong chia sẻ.
Hiện, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 87/108 Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo Quyết định số 08 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương. Số còn lại, từ nay đến cuối năm sẽ được kiện toàn và đi vào hoạt động. Ở các địa bàn vùng cao, thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai, Đội Xung kích cần được trang bị quần áo bảo hộ, các dụng cụ để giải cứu sạt lở đất, lũ cuốn, mưa đá, rét đậm, rét hại…”
Ông Đới Văn Thiều, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT
tỉnh Bắc Kạn.