Những người "đi trong sương"
Khát vọng để thoát nghèo, làm giàu bền vững chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với bất cứ ai, đặc biệt là đối với những bạn trẻ là người DTTS ở những vùng đặc biệt khó khăn. Họ bị hạn chế về nhiều mặt, như việc tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật, môi trường sống và đặc biệt là tập quán mưu sinh lạc hậu của người đồng bào DTTS là ngại thay đổi, làm theo thói quen, vì thế "cái nghèo, cái đói" vẫn cứ luẩn quẩn như "chiếc vòng kim cô" mãi đeo bám dai dẳng.
Nhiều người ví von rằng, những bạn trẻ người DTTS với khát khao khởi nghiệp, thoát nghèo chẳng khác nào “đi trong sương”, họ phải dò đường từng bước, nỗ lực nhiều hơn để có thể đi tới thành công.
Và trên quê hương Bắc Kạn, chúng tôi đã gặp được những tấm gương điển hình, đi đầu trong phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của quê hương mình.
Có thể nói, hành trình khởi nghiệp của chị Lý Thị Quyên, nữ chủ nhân Hợp tác xã (HTX) Thiên Ân tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn là một câu chuyện đầy thú vị. Vốn là người con của đồng bào dân tộc Dao, so với nhiều bạn bè cùng trang lứa tại địa phương, chị Quyên may mắn được học hành đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, trong thời gian chờ xin việc làm, chị trở về quê nhà phụ giúp bố mẹ làm nông nghiệp. Và chính trong quãng thời gian này, với con mắt của một tri thức trẻ, chị nhận thấy nhiều nông sản vốn là thế mạnh của quê hương như: Mật ong, chuối, măng có chất lượng tốt, nhưng đầu ra thì hạn chế có thể đem lại cơ hội cho chị và bà con thoát nghèo, làm giàu.
Khi đó, chị đứng trước những ngã rẽ đầy khó khăn. Một là tiếp tục tìm kiếm công việc ổn định, theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Hai là tự mày mò, khởi nghiệp làm kinh tế trên chính quê hương mình. Sau một thời gian suy nghĩ, cô gái dân tộc Dao sắc sảo đã quyết định khởi nghiệp bằng chính những nông sản của địa phương. Với tinh thần quyết đoán, dám nghĩ dám làm, chị Quyên đã vận động thêm nhiều người có cùng chung chí hướng để thành lập HTX Thiên Ân.
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Quyên và các thành viên trong HTX đã trải qua vô vàn khó khăn. Do thiếu vốn, máy móc lẫn kinh nghiệm, nên những sản phẩm do HTX làm ra có chất lượng không cao, tỷ lệ cạnh tranh trên thị trường thấp. Sau những bước đi dò đường, chị Quyên quyết định chuyển hướng sản xuất, chỉ tập trung vào những sản phẩm độc đáo, có bản sắc riêng.
Nhờ hướng đi đúng đắn đó, HTX Thiên Ân lựa chọn dược liệu và thổ cẩm là 2 mũi nhọn để tạo nên những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Vậy là chị đã nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm từ lá cây, trong đó nổi bật là thuốc tắm thảo dược và các loại gối dược liệu thổ cẩm.
Để phát triển sản phẩm mới, HTX mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư các loại máy cắt, sấy, đóng gói sản phẩm và mở rộng quy mô nhà xưởng. Đến nay, HTX có 3 loại thảo dược được chứng nhận OCOP 3 sao, được người tiêu dùng đón nhận, với doanh thu hằng năm hơn 1 tỷ đồng. HTX đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động là phụ nữ dân tộc Dao với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Tạo việc làm bền vững cho lao động tại chỗ
Tinh thần khởi nghiệp của lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là trong đồng bào DTTS tại Bắc Kạn những năm qua được các cấp chính quyền khuyến khích, phát triển một cách mạnh mẽ. Những tấm gương điển hình như nữ chủ nhân HTX Thiên Ân giờ đây không còn hiếm gặp.
Trường hợp của anh Mã Văn Thuần (tại thôn Cốc Lải, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cũng là một ví dụ điển hình cho tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ đồng bào DTTS.
Sau khi học hết THPT, do điều kiện không cho phép, anh Thuần ở nhà phụ giúp bố mẹ trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2016, với quyết tâm thoát nghèo, anh quyết định vay ngân hàng 200 triệu đồng, cộng với vốn tích lũy của bản thân để xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Với xuất phát điểm chỉ có 30 con lợn giống, 20 con lợn nái, đến nay đàn lợn của gia đình anh đã chạm mốc hơn 200 con. Trang trại của gia đình anh Thuần trở thành địa điểm cung cấp lợn giống uy tín cho người dân trong vùng.
Để chăm sóc và phát triển đàn lợn một cách tốt nhất, anh Thuần không chỉ học hỏi kiến thức qua sách vở, mà còn đi tham quan thực tế nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả ở các tỉnh, thành khác nhằm tiếp thu thêm kinh nghiệm.
Với mong muốn sản phẩm thịt lợn cũng như các nông sản khác không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn được công nhận về nguồn gốc, anh Thuần đứng ra thành lập HTX Phát triển nông nghiệp Văn Thuần. HTX được thành lập từ cuối năm 2019, với 8 thành viên, đều là những thanh niên có chí làm giàu từ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, ngoài đàn lợn trên 200 con, HTX Văn Thuần còn có thêm 1 ha diện tích nuôi thả thủy sản, 1 ha trồng rau màu. Doanh thu hằng năm của HTX đạt mức hơn nửa tỷ đồng. HTX Văn Thuần đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo việc làm tại chỗ cho nhiều người dân, giúp họ từng bước thoát nghèo.