Khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 88%. Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, giải pháp nhằm xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho Nhân dân.
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, việc chuyển dịch theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân. Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi... đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, góp phần phát triển kinh tế địa phương của các tổ chức, cá nhân được các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn khuyến khích, hỗ trợ. Nhiều mô hình kinh tế được hình thành, phát triển, thu về những kết quả ngoài mong đợi.
Có thể kể đến như mô hình Tổ hợp tác Thanh niên xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Vào năm 2017, nhận thấy nhiều tiềm năng của địa phương chưa được tận dụng, những thanh niên người dân tộc thiểu số tại xã Như Cố đã tập hợp, bàn bạc và quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nghĩ là làm, họ đã chuyển đổi thí điểm hàng nghìn mét vuông đất ruộng tại thôn Nà Chà (xã Như Cố) từ trồng lúa sang trồng rau và cây ăn quả. Hướng đi đầy táo bạo này của nhóm thanh niên người Tày ban đầu gặp phải những ánh mắt hoài nghi, e ngại của nhiều người dân địa phương. Bởi đối với người dân địa phương từ bao đời nay cây lúa vẫn là cây trồng chủ đạo giúp đẩy lùi cái đói.
Sau tất cả, với ý chí kiên định, cùng cách làm đúng đắn, Tổ hợp tác Thanh niên xã Như Cố đã thành công bước đầu với một số loại rau củ quả như: Rau bí siêu ngọn, dưa chuột, dưa hấu, cà chua... Không những thế, Tổ còn thử nghiệm sản xuất thành công các loại rau trái vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết quả, ngay trong năm đầu tiên, mỗi 1.000m2 rau màu luân canh đã cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Với khát vọng mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ người dân địa phương cùng phát triển kinh tế, thoát nghèo, Tổ hợp tác Thanh niên xã Như Cố được nâng cấp lên thành HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố. Để phát triển mô hình một cách bền vừng, các thành viên trong HTX cắt cử nhau tham gia các lớp, khóa học về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, tìm tới nhiều địa phương trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm về các mô hình phát triển kinh tế.
Nhân rộng mô hình
Xác định việc phát triển mô hình HTX là hướng đi đúng đắn, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, giúp người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS thoát nghèo, làm giàu bền vững, năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua Nghị quyết số 37/NQ-HĐND về đầu tư Dự án hỗ trợ kết cấu hạ tầng các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư cho 14 hợp tác xã nông nghiệp xây dựng nhà kho, nhà xưởng sản xuất, chế biến, bảo quản. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 31 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 30 tỷ đồng; Đối ứng của hợp tác xã hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, qua rà soát hiện có 27 hợp tác xã hoạt động còn yếu và không hiệu quả, do thiếu nhân lực có trình độ, hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin cũng như điều hành. Để khắc phục những vướng mắc, tồn tại đó, đầu năm 2023, tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ nguồn nhân lực cho hợp tác xã, giai đoạn 2022-2025. Mỗi hợp tác xã được hỗ trợ một lần để thuê một lao động có trình độ cao đẳng trở lên làm việc, thời hạn hỗ trợ tối đa 36 tháng. Bắc Kạn quyết định đầu tư hơn 18 tỷ đồng để thực hiện chính sách này cho 100 hợp tác xã.
Ngoài ra, Bắc Kạn thành lập Tổ công tác hỗ trợ nguồn nhân lực cho các hợp tác xã. Tổ công tác sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã đưa lao động trẻ về làm việc; Rà soát các hợp tác xã đủ điều kiện, gửi báo cáo cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách được hỗ trợ. Tư vấn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho các hợp tác xã được phê duyệt danh sách hỗ trợ theo quy định...
Không những vậy, chính sách hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn Chương trình MTQG đã thúc đẩy các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thông qua liên kết sản xuất, quy mô, chất lượng sản phẩm của HTX được nâng lên, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với khai thác các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó một sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia) đều là sản phẩm liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với nông dân.
Nhờ những chính sách đúng đắn, kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn, chất lượng cuộc sống của người dân địa phương (đặc biệt là đồng bào DTTS) từng bước được nâng cao. Nhiều tổ chức, cá nhân tự tin khởi nghiệp, nuôi khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình.