Tham gia Đoàn công tác có đại diện các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.
Về phía tỉnh Bắc Kạn, tiếp và làm việc với Đoàn có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm 2023 đạt 5,04%, cao hơn trung bình cả nước, nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến 30/4/2023 được 244 tỷ đồng, đạt 30% dự toán Trung ương giao, đạt 25% dự toán tỉnh giao. Sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản đạt kết quả khá, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 3 tháng đầu năm ước đạt 4,77%. Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo...
Tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước tương tự như tình hình chung của cả nước. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 6,3 triệu USD, đạt 16,4% kế hoạch năm 2023, bằng 52,77% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 4,334 triệu USD, nhập khẩu đạt 1,984 triệu USD.
Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã thực hiện giao chi tiết 100% kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, thường xuyên rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn để kịp thời thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân; ban hành Quy định phân cấp về quản lý, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; phê duyệt tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhóm A, B.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn tập trung đầu tư mở rộng, phát triển mạng lưới giao thông nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, có tính chất kết nối chiến lược, lan tỏa, bảo đảm hài hòa giữa các vùng như đô thị, khu du lịch, nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Đối với thị trường bất động sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 10 dự án nhà ở, bất động sản đã và đang triển khai. Bắc Kạn là tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên rộng, dân số ít nên nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại thấp. Giá đất trên thị trường trong thời gian vừa qua tương đối ổn định, tuy nhiên việc chuyển nhượng bất động sản còn chậm. Việc kêu gọi các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại thấp nên lâu thu hồi được vốn đầu tư.
Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Công văn về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc và chấp hành kỷ luật, kỷ cương. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức tại 8 cơ quan, đơn vị. Các thủ tục hành chính được xử lý đúng hạn. Việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp tại địa phương kịp thời, các đơn thư của người dân được thực hiện kịp thời.
Về triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, kế hoạch giám sát, đánh giá từng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 trên địa bàn tỉnh theo quy định. Các cơ quan cấp tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các nội dung, Tiểu dự án, Dự án thuộc Chương trình MTQG cơ bản đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện. Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG năm 2023 của tỉnh là 1.106 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, mặc dù tỉnh đã rất khẩn trương, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa thực sự khai thác hiệu quả các động lực, thế mạnh phát triển của tỉnh; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc triển khai các Chương trình MTQG còn chậm; tình hình sản xuất kinh doang của một số doanh nghiệp còn cầm chừng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt thấp; thị trường nhà ở, bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Thời gian tới, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn, các quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, tăng cường các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Đôn đốc các dự án, nhà máy công nghiệp đi vào hoạt động; quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách, chú trọng tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực huy động vốn, mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Kạn và đoàn công tác đã chia sẻ, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; khó khăn trong việc hỗ trợ cho người sử dụng đất nằm ngoài phạm vi thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án nhưng bị ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất; nguyên, vật liệu xây dựng; về thị trường xuất khẩu hàng hóa; vướng mắc liên quan đến quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG...
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - thành viên Chính phủ đến thăm và làm việc với tỉnh Bắc Kạn. Đây là sự đổi mới, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đây là dịp để tỉnh nói lên những tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện để tỉnh phát triển.
Thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ những khó khăn đặc thù của tỉnh liên quan đến thể chế, thủ tục hành chính, xây dựng tuyến cao tốc và một số dự án trọng điểm, công tác phát triển rừng... Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và thành viên Đoàn công tác tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ vui mừng với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng của tỉnh Bắc Kạn trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh về các nội dung làm việc với Đoàn công tác.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh bổ sung, hoàn thiện báo cao, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn và cho biết Đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến kiến nghị của tỉnh để tổng hợp, tham mưu, tháo gỡ kịp thời. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các nghị quyết, chỉ thị, công điện, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của bộ, ngành; rà soát các lĩnh vực có thế mạnh để có giải pháp thúc đẩy đạt kết quả tốt hơn; hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn kịp thời thuộc thẩm quyền của tỉnh, nhất là hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng mong muốn tỉnh có giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; quan tâm, cho ý kiến vào các dự thảo thông tư, các văn bản xin ý kiến của Trung ương, bám sát văn bản để triển khai thực hiện. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng giải đáp về những khó khăn, vướng mắc cụ thể của tỉnh liên quan đến quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc nói chung, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
*Trước đó, sáng 11/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Đoàn công tác đã thăm mô hình hoạt động của HTX Thiên An (thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông). Về phía tỉnh Bắc Kạn, có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện Bạch Thông.
HTX Thiên An được thành lập năm 2015, hoạt động với mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng người Việt với các sản phẩm từ thiên nhiên có lợi cho sức khỏe. Các sản phẩm của HTX đều được phát triển từ bài thuốc cổ truyền của đồng bào DTTS.
Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã ân cần thăm hỏi, động viên Nhân dân nỗ lực vươn lên.
Để HTX hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn, các thành viên HTX quan tâm việc quảng bá, xây dựng thương hiệu truyền thống, tăng cường công tác tiếp thị; đi đúng hướng, bảo tồn bản sắc văn hóa, tri thức bản địa, phát huy chuỗi giá trị, tạo thu nhập cho người dân; tăng cường tương tác, kết nối, tạo chuỗi giá trị Tour, tuyến, điểm du lịch cộng đồng, môi trường sinh thái, cảnh quan... Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh, huyện quan tâm, hỗ trợ HTX xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, phát triển chuỗi dịch vụ...