Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Mặc dù có tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, song trong những năm qua,du lịch Bắc Giang vẫn chưa phát huy hết lợi thế để ngành công nghiệp không khói thật sự cất cánh, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực tìm giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch.
Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 30/3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 44 về việc phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quy mô mang tầm quốc gia.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp, quy hoạch và thu hút đầu tư hình thành các khu, các điểm tuyến du lịch. Tổ chức các hội thảo về tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư, đặt tên riêng cho đường tỉnh 293 để tổ chức quảng bá du lịch, đầu tư về cơ sở vật chất kết nối giao thông thuận tiện với các khu, điểm du lịch của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần thu hút du khách.
Với cách làm này, trong những năm qua, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư thương mại, du lịch. Trong đó, đã có 16 dự án được UBND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 35.297 tỷ đổng.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù
Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bắc Giang đã tận dụng các lợi thế hệ thống đền chùa, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết hình thành các tua, tuyến du lịch hấp dẫn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Điển hình như: Khu du lịch suối Mỡ kết hợp với điểm du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử; Di tích chùa Vĩnh Nghiêm-chùa Bổ Đà… kết hợp với du lịch làng nghề gốm Thổ Hà, mây tre Tăng Tiến… Qua đó, lượng khách du lịch đến Bắc Giang ngày càng gia tăng.
Chị Phạm Như Quỳnh, du khách ở Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, vào các dịp lễ, Tết, gia đình chị thường đến một số điểm du lịch ở Bắc Giang để trải nghiệm các địa điểm du lịch như Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ, Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử. “Cảnh quan thiên nhiên nơi đây rất đẹp, không gian yên bình tạo cảm giác rất thích thú”, chị Quỳnh cho biết thêm.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng tập trung khai thác các tuyến du lịch liên kết với các làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm sản phẩm nông, lâm sản như du lịch làng nghề mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn…
Với cách làm đó, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 44 của Tỉnh ủy, số lượng khách tăng rất lớn. Năm 2017 có 1.130 nghìn lượt, đạt doanh thu 750 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2016; còn năm 2018 số lượng khách tăng kỷ lục lên 1.500 nghìn du khách với doanh thu lên đến 1.000 tỷ đồng. Công suất lưu trú ước đạt 75%.
Hiện nay, Bắc Giang đang tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt tại các trung tâm du lịch, chú trọng đầu tư nguồn lực có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng thị trường, đẩy mạnh liên kết với các địa phương, góp phần đưa du lịch Bắc Giang ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.