Nằm ngay cạnh đường giao thông, đi lại thuận lợi là cơ sở dệt thổ cẩm của Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu do ông Mạc Văn Phang làm Chủ nhiệm. Thấy đoàn khách đến thăm quan, chị Vì Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm HTX tạm gác công việc, đon đả mời khách uống nước và nhiệt tình dẫn khách đi thăm một vòng quanh các xưởng. Theo chị Vì Thị Oanh, với mục tiêu “Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn tỉnh Hòa Bình”, năm 2009, HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu ra đời dưới sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình và tổ chức JICA (Nhật Bản). Đây được xem là mô hình điểm của toàn tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển, bảo tồn nghề dệt truyền thống.
Ban đầu, theo luật thành lập HTX thì HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu có 22 thành viên. Sau này, để đáp ứng yêu cầu sản phẩm của thị trường, HTX hợp đồng thời vụ với 10 lao động tại địa phương. Qua 10 năm hình thành và phát triển, đến nay HTX hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng, HTX bán ra hàng nghìn sản phẩm. Thị trường chủ yếu theo đơn đặt hàng của các thành phố lớn và khách quốc tế. Hiện nay, có một số công ty tại Pháp đặt hàng thường xuyên. Đồng thời, bán cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan địa phương. Doanh thu của HTX đạt 200 triệu đồng/tháng.
Điều chúng tôi cảm nhận là sự chuyên nghiệp, sạch sẽ, khoa học trong dây chuyền sản xuất của HTX. Nơi dệt, nơi cắt, nơi thêu may… được phân thành các khu độc lập, riêng biệt. Ngày nay, trong khi các sản phẩm thổ cẩm được bày bán tràn lan, thì điều làm nên thành công của HTX là các sản phẩm đã kế thừa và giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của nghề dệt của dân tộc Thái tồn tại lâu đời mà không bị lai tạp bởi các sản phẩm may thêu thủ công hàng loạt. Sản phẩm dệt thổ cẩm vẫn được làm từ sợi bông tự nhiên, tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm màu đến dệt vải, đòi hỏi sự công phu, máy móc chỉ hỗ trợ ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm.
Đồng thời, để phù hợp với xu thế hội nhập và thị hiếu khách hàng, các sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX đã được đổi mới, với đa dạng thể loại, mẫu mã, màu sắc. Nếu như trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Thái chỉ là chăn, màn, khăn, gối, quần áo... thì ngày nay, dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người phụ nữ Thái đã tạo ra nhiều sản phẩm khác, như: túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những đồ vật lưu niệm nhỏ…
Chị Vì Thị Yến, xóm Mỏ, xã Chiềng Châu tâm sự: “Những lúc nông nhàn, tôi lại dành thời gian chủ yếu làm việc cho HTX. Trừ những lúc gia đình có việc hay vào vụ cấy thì tôi xin nghỉ mấy hôm. Mỗi tháng trừ mọi chi phí, thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/ tháng. Nếu tháng nào làm đều thì thu nhập cao hơn. Công việc nhàn hạ, không vất vả như làm đồng áng, phù hợp với sở trường của phụ nữ Thái chúng tôi. Làm việc tại HTX vừa giúp tôi có thêm thu nhập, vừa giữ gìn nghề dệt truyền thống của cha ông”.
Xã Chiềng Châu có trên 900 hộ với gần 3.800 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái. Chiềng Châu được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc. Chính vì vậy, Chiềng Châu đã và đang phát triển du lịch cộng đồng, là điểm đến, trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở Chiềng Châu được du khách rất yêu thích.
“Không ngừng đổi mới nhưng điều cốt lõi nhất là của nghề Dệt thổ cẩm là phải giữ được bản sắc dân tộc, giá trị cốt lõi nhất của sản phẩm dệt thổ cẩm, điều đó mới làm nên thành công”. Tâm sự của chị Vì Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu giúp chúng tôi hiểu được thành công của HTX là giữ được “hồn cốt” của dân tộc, điều rất cần thiết hiện nay.
THANH HUYỀN