Theo đó, cán bộ công chức, viên chức đồng bào Hrê, Ba Na từ huyện đến cơ sở tự trang bị trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, hội họp, sinh hoạt.
Đến năm 2024, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức đồng bào Hrê, Ba Na đều có bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình và khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng trang phục truyền thống ở công sở vào ngày đầu tuần; học sinh mặc từ 1 đến 2 buổi trên tuần khi đến lớp và vào các dịp lễ, hội; người đồng bào dân tộc mặc trang phục truyền thống dịp hiếu, hỉ, hội họp, sinh hoạt.
Tổ chức các lớp dạy nghề, truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cầm và trang phục truyền thống đồng bào Hrê, Ba Na. Triển lãm, trưng bày trang phục truyền thống đồng bào trong các dịp tổ chức Lễ hội ở địa phương; sử dụng trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các chương trình nghệ thuật, lễ hội trên địa bàn.
Theo thống kê, toàn huyện An Lão có 40 thôn của 8 xã và 1 thị trấn có đồng bào Hrê, Ba Na sinh sống. Mỗi dân tộc đều có bộ trang phục truyền thống riêng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những bộ trang phục truyền thống của họ dần mai một. Trước thực trạng trên, UBND huyện An Lão đã tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến về bộ trang phục truyền thống của đồng bào Hrê, Ba Na trên địa bàn huyện. Kết quả, UBND huyện An Lão thống nhất chọn mẫu trang phục truyền thống đồng bào Hrê huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) về màu sắc, hoa văn, chất liệu làm bộ trang phục truyền thống đồng bào Hrê huyện An Lão.
Cụ thể, bộ trang phục truyền thống nam Hrê áo, khố nam Hrê, nhưng không có ren tua phía dưới, cũng không có hoa văn đường kẽ ngang phía trước và sau; thống nhất tấm choàng nam Hrê. Còn bộ trang phục truyền thống nữ Hrê thống nhất bộ váy, áo nữ Hrê theo mẫu nhưng không có các hoa văn hình thoi ở giữa váy và áo, không có ren tua phía dưới váy; bổ sung thêm thiết kế mẫu ly tu 2 tầng.
Riêng trang phục truyền thống đồng bào Ba Na,UBND huyện An Lão cũng thống nhất chọn mẫu trang phục truyền thống đồng bào BaNa xã An Toàn, An Nghĩa đang sử dụng về màu sắc, hoa văn, chất liệu làm bộtrang phục truyền thống đồng bào Ba Na huyện An Lão; bổ sung thêm khố nam BaNa, mũ nam và dây cột đầu nữ.