Những ngày đầu gian khó...Cách đây hơn chục năm, chỉ cần nghe đến tên 2 xã Đường Hồng, Đường Âm của huyện Bắc Mê là không ít người “sởn da gà”. Khó khăn không phải chỉ ở đường đi lại heo hút, cheo leo, xa xôi hiểm trở, mà không ít người e ngại bởi nơi đây là “ổ” của các dịch bệnh: Sốt rét, thương hàn, dịch sởi, lỵ... Toàn xã có 10 thôn, bản với hơn 4.500 người dân, nhưng đi từ xã đến thôn bản có khi cả tuần mới về được.
Anh Nông Quang Nghiêm cho biết: Ngày anh về nhận công tác, Trạm Y tế xã chỉ là ngôi nhà lợp mái lá, vách đan tre nứa ọp ẹp, không giường bệnh, không tủ thuốc, trang thiết bị chỉ gồm hai chiếc xi-lanh, một chiếc panh, một chiếc kéo; còn thuốc thì mỗi tháng đều đặn anh phải cuốc bộ 35km đường rừng ra Trung tâm Y tế huyện, vừa giao ban, vừa lĩnh thuốc bỏ vào ba-lô rồi tự “cõng” về để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và cấp phát cho nhân dân.
Chị Tuyết, người đồng nghiệp, cũng là người bạn đời đã gắn bó với anh và Trạm Y tế Đường Hồng hơn 20 năm qua. Chị kể: Thời gian đầu, mình là người địa phương khác đến, nên dân bản chưa tin, mà chỉ tin vào thầy cúng, thầy tạo, các mụ vườn, và những hủ tục mê tín dị đoan… Nhưng rồi thấy mình chữa bệnh miễn phí, cấp thuốc miễn phí tận tình, nhiều khi đem cả tính mạng ra để “đánh cược”, mong người ốm được uống thuốc chữa bệnh, người đẻ khó được bàn tay mình đỡ... Sau mỗi lần được khám bệnh, uống thuốc, sức khỏe người dân tốt hơn. Lâu dần, như mưa dầm thấm lâu, rồi cũng thành công. Dân bản từ chỗ tin thầy thuốc, rồi chuyển thành quý mến lúc nào không hay.
Người con ưu tú của bản làngTrạm Y tế xã Đường Hồng giờ đã là ngôi nhà hai tầng khang trang và số lượng cán bộ y tế cũng dần được bổ sung lên đến 5 người, y sĩ Nghiêm giờ cũng đã là Trạm trưởng. Các dịch bệnh sốt rét, thương hàn, sởi... đã được đẩy lùi. Người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Hằng tháng, Trạm trưởng Nghiêm còn giao ban, tập huấn, phổ biến, cập nhật kiến thức y học mới mà anh tiếp thu được để hướng dẫn lại cho cán bộ Trạm Y tế và nhân viên y tế thôn bản. Hằng tuần, anh phân công cán bộ Trạm Y tế xuống từng thôn nắm bắt tình hình bệnh tật, tuyên truyền các chính sách y tế cũng như các biện pháp phòng bệnh cho nhân dân. Trạm luôn có cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận những ý kiến, yêu cầu của bà con và khám, chữa bệnh kịp thời.
Bác sĩ Đinh Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Mê nhận xét: Y sĩ Nghiêm được lãnh đạo xã và người dân tin yêu đến mức nhiều lần lãnh đạo Trung tâm cử anh đi học để nâng cao trình độ, hay chuyển công tác lên huyện cho bớt khó khăn, vất vả, nhưng mỗi lần có ý kiến hay ra quyết định thì cấp ủy, chính quyền xã và người dân đều đề nghị được “giữ” vợ chồng y sĩ Nghiêm ở lại. Bản thân y sĩ Nghiêm cũng muốn gắn bó lâu dài với người dân trong thôn, trong xã.
Chính nhờ gây dựng và duy trì được uy tín và lòng tin yêu của bà con đã giúp y sĩ Nghiêm triển khai thành công các Chương trình y tế quốc gia về các thôn bản một cách có hiệu quả. Năm 2013, xã Đường Hồng là một trong ba xã của huyện Bắc Mê được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã và là xã đạt điểm cao nhất trong thang chấm điểm đánh giá của đoàn kiểm tra.
KIM HUỆ