Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật mang tính phổ thông. Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, nhiếp ảnh càng trở nên gần gũi và cần thiết với tất cả mọi người. Với một cái điện thoại trong tay, ai cũng có thể trở thành một nhiếp ảnh gia. Cũng chính vì nhiếp ảnh có tính đại chúng nên khán giả cũng khó tính hơn khi đón nhận tác phẩm. Mỗi tác phẩm được công bố sẽ đem đến cho khán giả một thông điệp khác nhau, giúp tái hiện quá khứ quý giá của cuộc sống và khơi dậy phong trào nhiếp ảnh. Vì lẽ đó, đội ngũ nhiếp ảnh chuyên nghiệp bao gồm những người ham mê sáng tác ảnh và các nghệ sĩ làm công tác thẩm định ảnh cần trang bị cho mình kiến thức tổng hợp trong đời sống thường nhật. Có kiến thức chưa đủ, mỗi người cầm máy và thẩm định ảnh chân chính cần thể hiện trách nhiệm của mình với nghề nghiệp, với cộng đồng.
Mỗi tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày triển lãm và lưu giữ lâu dài trong kho tàng văn học nghệ thuật đồ sộ của đất nước đều có sự đóng góp công sức của tác giả và người thẩm định tác phẩm. Tác giả cho ra đời đứa con tinh thần của mình, nhưng để tác phẩm tiếp cận được với công chúng, phải trải qua quá trình đánh giá và lựa chọn của hội đồng thẩm định. Muốn có được sản phẩm hoàn hảo phục vụ công chúng, người cầm máy, người thẩm định ảnh cần phải được trang bị kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội và kỹ thuật, tư duy nhiếp ảnh. Việc này không phải băn khoăn vì khi quyết định trao “còi” cho các giám khảo, ban tổ chức các cuộc thi đã phải “nâng lên, hạ xuống” nhiều lần. Nhưng không phải giám khảo nào cũng nắm được phong tục, tập quán và trang phục truyền thống của tất cả các dân tộc, các vùng miền. Vì vậy, việc phát sinh câu chuyện gây dư luận trên mạng xã hội sau đây là một ví dụ.
Cách đây chưa lâu, trên Facebook cá nhân của một nghệ sỹ nhiếp ảnh đăng tải một bức ảnh chụp lại hình ảnh một nhóm các thiếu nữ đang ôn luyện các thao tác sử dụng cây đàn tính, có huấn luyện viên hướng dẫn. Bức ảnh được chụp tại một xã vùng cao thuộc huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang). Các học viên đều mặc trang phục giống trang phục dân tộc Tày như các bộ trang phục biểu diễn trên sân khấu. Ảnh đẹp, nếu sử dụng minh họa cho một bài viết về hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc trên báo, tạp chí thì quá chuẩn.
Thế nhưng, theo thông tin của tác giả đăng trên Facebook cá nhân, ảnh đã được lựa chọn trưng bày trong triển lãm thuộc Dự án “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” năm 2023 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại “Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam” (Sơn Tây, Hà Nội). Đây là dự án cấp Nhà nước, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch triển khai thuộc Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023. Nếu vậy, đây sẽ là tác phẩm thể hiện hình ảnh mang bản sắc truyền thống của dân tộc Tày trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Trên Facebook cá nhân của tác giả, có khoảng 100 người vào bình luận, thể hiện sự yêu thích tác phẩm, trong đó có khá nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh. Tôi thấy có cả các tin nhắn chúc mừng tác giả của các nghệ sỹ nhiếp ảnh từng tham gia công tác thẩm định trong Hội đồng Giám khảo các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc gần đây.
Là một nghệ sỹ nhiếp ảnh sinh ra, lớn lên, lăn lộn nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở vùng đồng bào DTTS miền núi phía Bắc, tôi rất ngạc nhiên và hoang mang vì tác phẩm không thể hiện được tính đại diện cho hình ảnh cộng đồng dân tộc Tày mà vẫn được lựa chọn trưng bày triển lãm. Tôi xin phân tích để người xem ảnh và các nghệ sĩ thẩm định được thấy rõ hơn.
Cụ thể là, trang phục của các nhân vật trong tác phẩm đã đăng trên Facebook nêu trên là trang phục Tày cách tân, cách điệu 100%. Còn trang phục truyền thống của phụ nữ Tày có các đặc điểm sau: Toàn bộ trang phục, từ khăn quấn tóc, khăn đội đầu đến thắt lưng, giày, quần và áo dài được chế tác từ vải thô nhuộm màu chàm xanh đen, không có hoa văn, họa tiết; Tóc được quấn chặt và bó bằng một mảnh khăn nhỏ và dài, sau đó quấn quanh đầu và chít thêm một khăn vuông gọn gàng để vừa giữ sạch đầu tóc, vừa tạo hình đẹp, vừa thuận tiện trong sinh hoạt, lao động sản xuất (vành tóc giả như các diễn viên đội khi biểu diễn là một dạng trang điểm cách tân). Trong các dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi, phụ nữ dân tộc Tày mặc trang phục truyền thống, còn trang điểm bằng 2 loại trang sức chế tác từ bạc trắng. Đó là một vòng cổ có thân tròn (khác với dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) - đeo 3 đến 7 vòng cổ bằng bạc thân vuông) và một chùm dây xà tích đeo ở thắt lưng.
Lẽ ra, các nghệ sỹ nhiếp ảnh đang lãnh nhận trách nhiệm tuyển chọn tác phẩm và các nghệ sỹ nhiếp ảnh đã từng làm giám khảo các cuộc thi ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc phải phát hiện ra điều bất cập trong tác phẩm. Thế nhưng, họ vẫn chúc mừng tác giả. Xét đến nhiều yếu tố thì phải hiểu thế này, tác giả chụp không sai nhưng lựa chọn tác phẩm tham gia Dự án “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” thì rõ ràng là đang chệch hướng.
Vấn đề tôi đã nêu còn là vấn đề của các tác giả sáng tác ảnh, bởi họ sáng tạo ra tác phẩm để các giám khảo chọn lựa. Vùng DTTS và miền núi vốn là “mỏ vàng” của nhiếp ảnh. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh chụp xe cộ, nhà cao chót vót, đường phố muôn màu… Chán chê họ lại rủ nhau đi hàng nghìn cây số đến Ninh Thuận, Tây Nguyên, đến Sóc Trăng rồi ngược ra Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu… để thỏa mãn niềm đam mê. Thế nhưng, trước ống kính của các nhà nhiếp ảnh, không chỉ có mây núi, thác nước hùng vĩ mà còn cả một nền văn hóa khổng lồ có lịch sử phát triển cả triệu năm của cộng đồng các DTTS và miền núi. Quyến rũ nhất là trang phục rực rỡ, các hoạt động văn hóa cổ truyền đặc sắc, phong tục tập quán huyền bí, ma mị.
Không thiếu những tác phẩm được tạo hình theo kiểu “Râu ông A Páo cắm cằm bà Vừ Thị Mỷ”, bởi người chụp không thông hiểu văn hóa, phong tục, tập quán từng địa phương. Tôi đã bắt gặp hình ảnh các nhà nhiếp ảnh thi nhau chụp và đạo diễn một thiếu nữ Tày cầm đàn tính xoay phải, xoay trái giữa ruộng lúa đang trổ bông. Không thiếu những hình ảnh các cô gái dân tộc Mông, Dao cười tươi như hoa, nghiêng đầu e ấp khoe những chiếc mũ, những mảnh khăn xanh đỏ có gắn những chùm tua chỉ màu, hạt cườm sặc sỡ (đồ trang điểm được sản xuất ở Trung Quốc). Có tác giả chọn được ánh sáng tốt, tạo hình đẹp, ghi được khoảnh khắc tươi rói, hạnh phúc của cô gái Tày xinh xắn nhưng lại không phát hiện lọn tóc giả quấn quanh đầu cô gái là lọn tóc chỉ dùng trang điểm khi biểu diễn văn nghệ. Có tác phẩm, nhân vật mặc đúng trang phục truyền thống màu sắc rực rỡ nhưng lại đi giày thể thao.
Cứ tưởng, các tác phẩm mắc các lỗi nêu trên sẽ chỉ nằm trong ổ cứng máy tính nhưng Hội đồng thẩm định các cuộc thi vẫn chọn để trao giaỉ, thậm chí là trao giải cao (!)
Xin đơn cử một số ví dụ, tại Liên hoan ảnh khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XXI- 2022, Huy chương Vàng được trao cho tác phẩm “May áo mới”. Đúng ra phải dùng cụm từ “Khâu áo mới” vì khi chế tác trang phục, người Mông thường khâu bằng tay. Tác phẩm chưa hoàn hảo để xứng đáng nhận giải cao nhất cuộc thi. Tôi không đề cập đến kỹ thuật, tạo hình, ánh sáng, cái tôi quan tâm trong tác phẩm là trang phục truyền thống và tập quán của người Mông. Nhân vật trong tác phẩm là hai mẹ con người Mông mặc trang phục không phải là trang phục truyền thống, vì bộ váy áo hai mẹ con đang mặc không phải váy áo tự khâu, tự thêu. Tấm vải dự định may áo mới trong tác phẩm là tấm vải đã được in sẵn hoa văn, họa tiết. Thông thường, khi chế tác trang phục, người Mông thường cắt, khâu thành váy áo rồi mới thêu hoa văn, họa tiết.
Hay như tác phẩm “Em bé dân tộc Tày” đạt Giải Khuyến khích tại Liên hoan ảnh khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XXI -2022, nhân vật trong tác phẩm mặc áo màu xanh may theo kiểu áo dân tộc Tày, trang điểm bằng vành tóc giả và vòng bạc giả, cái tên “Em bé dân tộc Tày” vô tình hủy bỏ hoàn toàn giá trị của tác phẩm.
Trong các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật, giá trị hiện thực luôn được đề cao bởi tính hiện thực của nó, còn mang theo giá trị tư liệu, lịch sử, giới thiệu quảng bá, dùng cho nghiên cứu, tài liệu, minh họa chứng minh….. Thiết nghĩ, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc là cần thiết và đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là định hướng các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành qua nhiều nghị quyết nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc đậm đà của các dân tộc Việt Nam. Không chỉ thể hiện trên giấy tờ, văn bản mà vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc còn được thể hiện bằng việc triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, chúng ta vẫn phải chấp nhận và tôn trọng thực tế hiện tượng biến đổi văn hóa trong cuộc sống. Ví dụ, tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XXII, Huy chương Đồng được trao cho tác phẩm “Xuân về bản em” miêu tả các cô gái Dao tham gia trò chơi nhảy dây trong một lễ hội. Các cô gái mặc trang phục dân tộc Dao rực rỡ nhưng lại đi giày thể thao. Đây là một thực tế thể hiện sự phát triển và giao thoa văn hóa, thời trang. Khi đất nước phát triển, đời sống của đồng bào các DTTS đã được đổi thay, họ không còn đi chân đất để leo đèo lội suối nữa mà họ đang đi trên những con đường, những cây cầu bê tông nối bản, đi trên những chiếc xe máy đời mới để đến tham gia các hoạt động xã hội, lễ hội của cộng đồng. Vì vậy, những đôi giày thể thao của các cô gái Dao trong tác phẩm “Xuân về bản em” lại rất tinh tế, phù hợp và thể hiện sự đổi thay, phát triển của vùng dân tộc miền núi.
Nên chăng, các nhà quản lý về chuyên môn nhiếp ảnh nghệ thuật cần quan tâm xem xét vấn đề bản sắc vùng miền để lựa chọn giám khảo phù hợp với từng cuộc thi, tuyển chọn ảnh nhằm đề cử, tuyển chọn được những tác phẩm xứng đáng lưu giữ trong kho tàng ảnh nghệ thuật của đất nước. Góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc đậm đà của các dân tộc Việt Nam. Có thể trong các cuộc thi nhiếp ảnh, cần có các nghệ sỹ nhiếp ảnh là chuyên gia về văn hóa vùng miền, chuyên gia về photoshop trong thành phần giám khảo để hỗ trợ công tác chuyên môn.