Chút năng khiếu hội họa của Trần Văn Hùng được người thầy-họa sĩ Phi Long ở Huế phát hiện từ khi anh còn học Đại học Sư Phạm Huế với thủ pháp vẽ truyền thần. Người thầy hội họa đầu tiên đã truyền cho Hùng những nét tả chân trên khuôn mặt người với từng chi tiết cẩn thận, đặc tả chân thật hồn cốt của đối tượng.
Khi rời bục giảng, thầy giáo Trần Văn Hùng đã tập tành bước vào nghề vẽ truyền thần để làm kế sinh nhai ở Phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhưng duyên số lại đẩy đưa anh đến với nghệ thuật nhiếp ảnh với niềm đam mê mãnh liệt khi tiếp cận vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và nét đặc sắc của các buôn làng.
Quá trình sáng tác về đề tài “Buôn làng Tây Nguyên”, nghệ sĩ Hùng Hoa Lư đã đem nét đẹp tiềm ẩn, nguyên sơ của những con người Tây Nguyên thoát thai từ “văn hóa rừng” giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước. Hàng trăm tác phẩm nhiếp ảnh của anh đã chạm đến cảm xúc, trái tim của công chúng yêu nghệ thuật và đoạt nhiều giải quốc gia, quốc tế.
Đặc biệt là tác phẩm “Present and future”- (Hiện tại và tương lai) đạt Huy chương Bạc FIAP năm 2011 với hình ảnh hai đứa bé dân tộc Gia Rai ngây thơ đứng nép giữa rừng tượng nhà mồ. Chung quanh là những tượng gỗ ngồi ôm mặt với nét trầm tư, huyền bí. Trong không gian huyền ảo ấy bỗng xuất hiện hai gương mặt trẻ thơ sống động với đôi mắt hồn nhiên, vô tư như những viên ngọc lung linh đang nhìn về thế giới con người. Hình ảnh trong tác phẩm mang ý nghĩa về một tương lai tươi sáng của những thế hệ lớn lên từ cái nền văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của nghệ sĩ Hùng Hoa Lư cũng theo mô tip tả chân, thể hiện được chiều sâu, cốt cách của nhân vật núi rừng qua cách chọn đường nét và cảm xúc trên gương mặt như các tác phẩm đoạt giải quốc tế: “Mother Ayunpa)-( Người mẹ Ayunpa); “Winter afternoon”-“Chiều đông”; “Mother Mang Yang”- (Người mẹ Mang Yang”; “A cosy life”- (Ấm cúng); “Highland culture”- ( Văn hóa cao nguyên)…
Ở một thể loại ảnh nghệ thuật khác, tạm gọi là “ảnh ý tưởng”, nghệ sĩ Hùng Hoa Lư mới tham gia lần đầu ở giải quốc gia nhưng đã gặt hái được thành công. Với tác phẩm nhiếp ảnh ý tưởng “Ước mơ vùng cao”, tác giả chọn đối tượng thể hiện là những thiếu niên người dân tộc thiểu số tại chỗ hồn nhiên đang chơi đùa giữa cánh đồng lúa với những chiếc chong chóng trên tay. Bên trên tầng không cũng là hình ảnh một cậu bé đang tươi cười cầm chong chóng quay bay trên đầu lũ trẻ. Bức ảnh thể hiện ý nghĩa ước mơ, khát vọng vươn lên, bay cao, bay xa của một thế hệ tương lai ở vùng Tây Nguyên…
Mới đây, nghệ sĩ Hùng Hoa Lư muốn thể nghiệm trở lại tay nghề hội họa bằng cách chuyển thể các tác phẩm ảnh nhiếp ảnh đặc sắc về Tây Nguyên của mình qua tác phẩm hội họa với chất liệu sơn dầu. Tác phẩm hội họa đầu tay “Present and future”- ( Hiện tại và tương lai) tại Triển lãm mỹ thuật khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên) năm 2023 đã được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao. Tác phẩm này đã được Hội đồng Giám khảo chọn gửi dự giải Triển lãm mỹ thuật quốc gia tại Hà Nội sắp tới.
Hiện nay, nghệ sĩ Hùng Hoa Lư đang tiếp tục hoàn thành một số tác phẩm hội họa theo hình thức chuyển thể này, như: “Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thẩm âm cồng chiêng”, “Cô gái Gia Rai”… để kịp gửi tham dự Triển lãm quốc gia trong bộ tác phẩm sơn dầu của mình.
Hy vọng với niềm đam mê nghệ thuật qua những tác phẩm hội họa đặc sắc về buôn làng Tây Nguyên của nghệ sĩ Hùng Hoa Lư sẽ đem đến cho công chúng cả nước chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của Tây Nguyên hùng vĩ.