Nhờ các khóa tập huấn, đào tạo, các thành viên gia đình ông Thào A Chua đã có kĩ năng, nghiệp vụ đón khách du lịchGia đình ông Thào A Chua, dân tộc Mông, tại xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải) có 7 người, thu nhập chủ yếu làm nông nên dù đã thoát khỏi hộ nghèo năm 2021 nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn do công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Từ nguồn vốn ưu đãi cho các hộ mới thoát nghèo theo Nghị định số 28/2022/ NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông đã mạnh dạnh vay 100 triệu đồng để đầu tư làm du lịch cộng đồng. Ông đã xây dựng 1 ngôi nhà cấp 4 trên đỉnh đồi hướng về khu ruộng bậc thang với 4 phòng nghỉ, 1 khu sinh hoạt cộng đồng, sức chứa tối đa 20 khách.
Ông A Chua bộc bạch, từ trước đến nay, cả gia đình vốn quen việc nương rẫy nên không có ai biết phải đón và phục vụ khách du lịch như thế nào. Nhờ các buổi tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ du lịch do huyện Mù Cang Chải và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức, ông và các thành viên trong gia đình đã tích cực học hỏi, tham gia các khóa học. Nhờ đó đã giúp các thành viên trong gia đình biết thêm các kỹ năng, kiến thức, các điều kiện cần thiết để làm dịch vụ đón khách du lịch.
Ông Chua cười vui, tháng 8 năm 2024, homstay của gia đình ông đã đón những đoàn khách đầu tiên, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng. Ông Chua nói, các ngày cuối tuần homstay của gia đình đều có khách, những ngày lễ hoặc mùa lúa chín khách rất đông nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình.
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, không chỉ các thành viên gia đình ông Thào A Chua, mà hàng nghìn người lao động, nhất là lao động người DTTS ngày càng hiểu rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc "có nghề trong tay" nên đã chủ động tìm kiếm cơ hội học các nghề phù hợp với năng lực, điều kiện, trình độ… Nhờ đó đã giúp người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Người thân gia đình ông Thào A Chua chỉnh trang chỗ ở cẩn thận để đón khách du lịchTheo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, những năm qua, Yên Bái đã triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động và đã đạt kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho gần 20.000 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động; chuyển dịch gần 8.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Yên Bái đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 111.690 người, trong đó có hơn 81.500 người vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ người DTTS qua đào tạo chiếm 42,3%. Giải quyết việc làm cho 109.664 người, trong đó có 67.992 người vùng đồng bào DTTS, chiếm 62%. Chuyển dịch 35.053 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó hơn 26.100 lao động thuộc vùng DTTS, chiếm tỷ lệ 74,7%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 ước đạt 69% (tăng 9% so với năm 2019, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38,4% (tăng 9% so với năm 2019, mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 40%, cao nhất trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc).
Bên cạnh đó, Yên Bái đã mở rộng hợp tác với các địa phương, các nước có quan hệ hợp tác cấp địa phương để xây dựng, ban hành Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030 với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ vượt trội.
Các chính sách hỗ trợ như: đào tạo nghề; đào tạo ngoại ngữ; tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; tiền ở trong thời gian đào tạo; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân; tiền đi lại (01 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi thường trú đến địa điểm đào tạo; chi phí làm thủ tục cấp hộ chiếu/giấy thông hành/giấy phép xuất cảnh; chi phí khám sức khỏe… nhằm đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm và thu nhập cao cho người lao động.
Yên Bái phấn đấu năm 2025, toàn tỉnh đưa 1.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dài hạnNhững năm gần đây, số lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Yên Bái ngày một tăng, tập trung chủ yếu tại các thị trường có thu nhập tốt và ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), chiếm tới 95% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Trong đó, năm 2024, số lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài đã đạt cao nhất trong 5 năm qua với trên 900 người. (Trong giai đoạn 2020-2023, mỗi năm toàn tỉnh chỉ xuất khẩu 200-400 lao động). Được biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, tỉnh Yên Bái đã có 180 lao động đi làm việc ở ngoài.
Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài, năm 2025. Kế hoạch phấn đấu năm 2025, toàn tỉnh đưa 1.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dài hạn.
Thông qua việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và việc thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách khác, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái đoạn 2021-2024 bình quân 3,65%/năm.