Người dân Mù Cang Chải thu hái dâu tâyNhững ngày này, vườn dâu tây hơn 1.000 gốc của gia đình anh Lý A Vàng ở Tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) khá nhộn nhịp khi có sự ghé thăm của nhiều người dân và du khách. Nhất là vào những ngày cuối tuần, khách đến hái và mua dâu tây rất đông, nhiều khi không còn hàng để bán.
Anh Vàng cho biết, mới là vụ đầu thu hoạch nhưng tín hiệu rất đáng mừng, khi sau 4 tháng chăm sóc, các gốc dâu đều sai trĩu quả. Với giá bán trung bình từ 100.000 - 120.000 đồng/1kg, gia đình anh đã thu lãi hàng chục triệu đồng.
Do hợp chất đất và khí hậu nên cây dâu khá sai quả"Tôi thấy ở Mù Cang Chải khá là mát mẻ, phù hợp với cây dâu tây nên cho thu nhập cao hơn cây trồng khác. Năm tới tôi sẽ trồng thêm để phục vụ bà con", anh Vàng chia sẻ.
Nhiều gia đình người dân ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cũng đi học hỏi nhiều nơi và nghiên cứu rất kĩ về khí hậu, thời tiết quê mình trước khi đưa cây dâu tây vào trồng. Họ mua gốc dâu tây từ Sơn La về trồng trên diện tích đất ruộng của gia đình. Đến nay, hầu hết diện tích dâu tây ở đây đã cho thu hoạch, mới mấy ngày đầu vụ, có hộ đã thu gần 20 triệu đồng.
Theo người dân ở đây, trên cùng diện tích đất, cây dâu tây cho thu nhập cao gấp mấy lần so với trồng lúa, ngô, trong khi công chăm sóc không vất vả hơn. Vì vậy trong thời gian tới, nhiều hộ sẽ tiếp tục chuyển đổi một số diện tích ruộng, vườn sang trồng cây dâu tây để phát triển kinh tế gia đình.
Dâu tây trồng ở Mù Cang Chải được khách hàng đánh giá cao về độ ngọt"Nếu tôi trồng lúa trên diện tích này chỉ được 20 bao thóc và bán ra thị trường chỉ được tầm 10 triệu đồng nhưng nếu là dâu tây thì khi bán hết vườn, đến cuối vụ sẽ thu về từ 35 đến 40 triệu đồng. Tôi sẽ học hỏi thêm kĩ thuật và tăng diện tích trồng dâu trong thời gian tới" - một chủ hộ trồng dâu tây chia sẻ.
Không chỉ cho thu nhập từ việc bán quả, vườn dâu tây của các hộ đồng bào Mông ở Mù Cang Chải còn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, có thể trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong tương lai.
Chị Phùng Mùi Lai, ở thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết, chị cũng như nhiều du khách rất ấn tượng với vườn dâu tây trĩu quả của đồng bào Mông nơi đây.
Theo chị Lai: "Nhìn thực tế ở đây họ chăm sóc rất đảm bảo và an toàn. Tôi cũng mua dâu tây chỗ khác ăn rồi nhưng xuống hái tận vườn thì thấy ngọt hơn".
Bà con trồng xen canh dâu tây với hành tỏi vừa nâng cao thu nhập, vừa diệt trừ dâu hại, côn trùngĐể cây dâu tây phát triển tốt, các hộ trồng dâu tây ở Mù Cang Chải đã trồng xen các cây khác như hành, tỏi. Việc này không chỉ giúp có thêm nguồn thu trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, mà còn có tác dụng xua đuổi côn trùng và phòng một số bệnh ký sinh do côn trùng gây nên; người dân cũng không phải sử dụng thêm các loại thuốc bảo vệ thực vật có hại cho sức khoẻ.
Trong thời gian tới, để mô hình trồng dâu tây phát huy hiệu quả cao hơn, bà con nông dân ở huyện vùng cao này cũng mong muốn chính quyền và ngành chức năng có thêm những sự hỗ trợ về vốn, kĩ thuật... qua đó, giúp bà con nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo bền vững.