Tạo sự đột phá về nhận thức
Theo số liệu thống kê, toàn xã Hữu Khuông có 637 hộ, với 2.706 khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 78,02%, vẫn còn 1 bản không có điện lưới, không có đường giao thông và không có sóng điện thoại. Chính vì vậy, Hữu Khuông là xã nghèo, khó khăn nhất tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, qua khảo sát thực tế, nguyên nhân của đói nghèo ở Hữu Khuông là do, hầu hết nhận thức của bà con còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp…Thậm chí một số hộ dân ở xã Hữu Khuông, không chỉ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn trông chờ, ỷ lại vào cả thiên nhiên, vào trời, vào đất… không thoát ra khỏi những hủ tục xưa cũ, lạc hậu.
Do vậy, Đại hội Đảng bộ xã Hữu Khuông, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ “xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại” làm khâu đột phá để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây là mục tiêu, đồng thời là nhiệm vụ hàng đầu của đảng viên phụ trách hộ gia đình. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp của Đảng ủy xã Hữu Khuông, nhằm tạo đột phá về tư duy, thay đổi cung cách làm ăn, phát triển kinh tế của đồng bào DTTS nơi đây, “tự lực cánh sinh” để vươn lên thoát nghèo bền vững, hướng tới làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Trong đó, trọng tâm là giúp đồng bào thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao… để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đảng ủy xã Hữu Khuông đã giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã cùng các tổ chức thành viên triển khai cuộc vận động toàn dân, toàn diện để xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao…, cán bộ xã Hữu Khuông đã thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân với dân trong những chuyến về bản, cầm tay chỉ việc, giúp người dân từng bước làm quen với phương thức sản xuất mới.
Ngoài ra, trong những chuyến công tác về các bản, những buổi sinh hoạt chi bộ; hay tại các buổi họp, tiếp xúc với bà con ở cơ sở, lãnh đạo chủ chốt của xã luôn hỏi han chuyện làm ăn, phát triển kinh tế của từng hộ gia đình, động viên bà con phải biết thay đổi cung cách sản xuất cũ, kém hiệu quả, chuyển sang trồng, nuôi những cây, con có hiệu quả, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương mình.
Thực hiện nhiều giải pháp
Để cuộc vận động "Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại" lan tỏa trong cộng đồng, Đảng ủy xã Hữu Khuông đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động từ những triết lý rất đơn giản. Ví dụ muốn xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, trước hết vận động bà con phải chăm chỉ làm ăn, không để đất đai bỏ hoang, mà đã làm thì phải làm cho có hiệu quả. Muốn sản xuất có hiệu quả, phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chứ không thể trông chờ vào trời, vào đất như trước đây nữa. Phải đưa giống mới vào, có làm được như vậy thì mới có của ăn, của để, từ đó mới có cơ sở để giảm nghèo bền vững.
Nhằm tiếp sức cho Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã cùng các tổ chức thành viên cũng đã cụ thể hóa nội dung cuộc vận động "Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại" gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới"... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia.
Việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại" cần phải đi sâu, bám sát từng hộ gia đình. Vì thế, phải coi đây là nhiệm vụ và là trách nhiệm hàng đầu của các đồng chí đảng viên, được phân công hộ gia đình trong việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Đi cùng với việc tuyên truyền, vận động là triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ gia đình. Việc lựa chọn mô hình cũng là một vấn đề lớn để làm sao mô hình có sự lan tỏa, tạo được ảnh hưởng lớn, tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người dân.
Vì vậy, ban đầu xã Hữu Khuông đã lựa chọn các hộ gia đình đảng viên, những hộ gia đình có khả năng thực hiện mô hình, đồng thời vận dụng các chính sách hỗ trợ cho các gia đình thực hiện, từng bước nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình ông Ngân Văn Hồng (dân tộc Thái) ở Bản Xàn, là một trong những gia đình đã chăm chỉ làm ăn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ nguồn vốn tích lũy, kết hợp vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, ông Hồng đã tập trung khoanh nuôi, bảo vệ và tái tạo gần chục ha rừng săng lẻ, trồng ngô, khai hoang ruộng nước và trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông có 17 con trâu, lúa ngô của ông năm nào cũng đạt năng suất cao.
Ở bản Chà Lâng, ai cũng biết gia đình ông Thò Nệnh Thông, nguyên Bí thư Chi bộ và gia đình anh Và Bá Và (dân tộc Mông),… đã có của ăn, của để nhờ biết xóa bỏ tư tưởng lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hay gia đình anh Lương Văn Lan (dân tộc Khơ Mú) ở bản Tủng Hốc, nhờ rũ bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại anh đã mạnh dạn vay vốn, tập trung trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản theo hình thức bán chăn thả. Hiện nay, đàn bò của anh đã trên 40 con, số tiền bán bò sau khi trừ chi phí đầu tư tái sản xuất, anh đem gửi ngân hàng, bây giờ số tiền gửi của gia đình anh tại ngân hàng, đã lên đến vài trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở các bản; các già làng, Người uy tín trong cộng đồng cũng đã trở thành là lực lượng xung kích, đầu tàu trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động. Đồng thời, các chi ủy, Ban quản lý các bản phối hợp đảng viên phụ trách hộ gia đình, tập trung tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả, nêu gương những gia đình lao động sản xuất giỏi..., nhằm lan tỏa tinh thần, cách làm để bà con học tập vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thế nói, cuộc vận động “Xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại" nhằm làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn xã Hữu Khuông, thể hiện trách nhiệm, sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương, tạo sự đột phá để bà con DTTS ở vùng đất nghèo khó nhất nước này vươn lên thoát nghèo bền vững, hướng tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.