Không còn rào cản hủ tục
Qua thực hiện đồng bộ các nội dung từ Chỉ thị và Kế hoạch của Huyện: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, “xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu”, “Phụ nữ Đăk Glei không sinh con thứ 3”, đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức; cũng như trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và đại bộ phận Nhân dân trên địa bàn huyện Đăk Glei. Nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động, đồng tình ủng hộ thực hiện; cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động bám sát cơ sở, sát thôn, làng, gần dân, sát dân, nắm rõ về tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời ngăn ngừa không để hủ tục xảy ra; đề xuất những kiến nghị chính đáng với cấp ủy, chính quyền xem xét, tạo điều kiện, giúp đỡ Nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất, tạo động lực, khuyến khích phát triển kinh tế.
Từ ngày được cán bộ xã và Đồn Biên phòng tuyên truyền, vận động, đồng bào Gié Triêng ở thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong, đã xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, chăm lo phát triển kinh tế. Cùng với sự hỗ trợ cây, con giống theo các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất dành cho vùng đồng bào DTTS và sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, bà con đã biết cách chăm sóc cây cà phê, cây lúa nước để tăng năng suất. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con đã có sự đổi thay rõ nét.
Đảng viên A Cu ở thôn Đăk Ga chia sẻ: từ khi tôi được phân công phụ trách nhóm 10 hộ, tôi thường xuyên tới nhà từng hộ gia đình, nhắc nhở hộ gia đình không nên thực hiện các hủ tục, phong tục lạc hậu nữa, chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu. Từ đó, bà con tin và làm theo.
"Có cán bộ, đảng viên và Bộ đội Biên phòng sâu sát tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu và còn hướng dẫn cho bà con chúng tôi làm lúa, sắn, chăn nuôi cho năng suất cao..nên cuộc sống bà con cũng thay đổi nhiều, cả về kinh tế, văn hóa", ông A Nơm ở thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong phấn khởi khoe.
Chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn quan tâm hướng dẫn Nhân dân xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế, như: nuôi dê sinh sản; trồng lúa nước, trồng và phát triển Sâm dây, sâm Ngọc Linh; nuôi heo lai lấy thịt; trồng cây cà phê tái canh… Các mô hình hiện đang phát triển tốt, riêng mô hình trồng sâm dây, nuôi heo thịt, dê đã cho thu hoạch. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Glei từng bước được cải thiện.
Chị Y Nhíp, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết: Cán bộ Hội còn thường xuyên vào tận nhà những hội viên, đặc biệt là hội viên nghèo, cận nghèo để tuyên truyền hội viên xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu; khuyến khích hội viên mạnh dạn vay vốn trồng sâm dây, cà phê, nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế. Đồng thời, Hội còn mở một số lớp tập huấn cho hội viên biết được cách trồng, chăm sóc sâm dây để nâng cao hiệu quả giống cây trồng, giúp chị em nâng cao hiệu quả của kinh tế”,
Chị Chị Y Lương ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, chia sẻ: Nhờ Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động nên mình đã hiểu và không còn thực hiện những hủ tục, phong tục lạc hậu như trước kia nữa. Năm 2021 Hội cũng hỗ trợ cây giống gia đình trồng được 2 sào sâm dây, giúp cho gia đình có kinh tế ổn định hơn. Hiện gia đình mở rộng thêm 1 sào nữa là 3 sào, trong năm 2022 cố gắng vươn lên để gia đình nằm trong danh sách thoát nghèo.
Ông A Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đăk Glei cũng thường xuyên quan tâm đến cuộc sống của đồng bào DTTS, tập trung lồng ghép, triển khai kịp thời các nguồn vốn, các chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh, huyện và các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS sớm tiếp cận với cách làm mới.
Đồng thời, các xã cũng đã triển khai hỗ trợ và hướng dẫn các hộ đồng bào DTTS vay vốn ưu đãi và tham gia liên kết với các hộ khác để đầu tư vào trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh; tham gia các Tổ hợp tác và Hợp tác xã, hiện đã có 67 hộ là đồng bào DTTS nghèo tham gia làm thành viên của 08 tổ hợp tác.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Đăk Glei, trong năm 2021, có 550/3.758 hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần một số hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đời sống, tự lực vươn lên và đã thoát nghèo, biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Theo ông A Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei, qua triển khai cùng lúc 3 cuộc vận động lớn, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đổi thay rõ rệt, các hủ tục, phong tục dần được xóa bỏ; bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện còn một số hộ ở một số nơi vẫn duy trì các hủ tục, phong tục lạc hậu. Vì vậy, Huyện ủy Đăk Glei đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS về các chủ trương, chính sách mới của Đảng; phân tích rõ tác hại của các hủ tục, phong tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại, gây lãng phí, tốn kém thời gian.
Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở thôn, làng và nâng cao ý thức trách nhiệm cùng cộng đồng đấu tranh, đẩy lùi các hủ tục, phong tục lạc hậu. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ hết các hủ tục, phong tục lạc hậu.