Bà Trương Thị Huyền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết, Mường Lát là một trong những huyện biên giới nghèo nhất nước, đồng bào dân tộc Mông chiếm khoảng 39% dân số toàn huyện. Nhiều năm qua, hệ lụy từ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của cộng đồng người Mông nơi đây cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Mường Lát có hơn 960 cặp kết hôn, trong đó có 150 cặp tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Số vụ xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn là hơn 90 vụ.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về Luật Hôn nhân và Gia đình; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước thôn bản. Đẩy mạnh giáo dục giới tính trong trường học, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai công tác phối hợp với một số các sở, ban, ngành và UBND các huyện miền núi tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các giải pháp giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn.
Bà Cao Thị Hòa, Trưởng phòng chính sách, Ban Dân tộc Thanh Hóa cho biết, từ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm dần. Điển hình như tại huyện Như Thanh, trong vài năm gần đây, trên địa bàn toàn huyện có gần 1.700 cặp kết hôn, nhưng không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hay tại huyện Thạch Thành, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có hơn 2.300 cặp kết hôn nhưng không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tại các huyện miền núi khác như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước..., tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng đã giảm dần. Nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại các vùng có đông đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú sinh sống, tình trạng tảo hôn vẫn còn chưa được giải quyết triệt để.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong giai đoạn 2021-2025, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; chú trọng đa dạng các hình thức phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về giảm thiểu tảo hôn.
Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe.