Làm giàu từ trồng bưởi
Bắt đầu mô hình trồng bưởi năm 2001, trải qua nhiều lần thử nghiệm giống, tới nay hầu hết các hộ gia đình tại xã Phúc Ninh đều đang sở hữu vườn bưởi lớn với giống bưởi Diễn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Cây bưởi Phúc Ninh cho năng suất cao: khoảng 200 quả một cây, đem lại thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi cây. Từ chủ trương chuyển đổi gần 1000ha đất rừng sang đất trồng cây lâu năm, hiện tại, diện tích trồng cây ăn quả ở Phúc Ninh là 442,2ha, trong đó diện tích bưởi chiếm đến 349,3ha, phần lớn là bưởi diễn.
Ông Nguyễn Văn Vinh, một hộ trồng bưởi lớn trong xã cho biết, năm nay bưởi được mùa, thương lái đã đến thăm vườn từ rất sớm để xem quả, trả giá cả vườn nên ông không lo đầu ra. Hiện, ngoài bưởi, ông còn trồng xen canh cây quýt, cau trong vườn. Năm 2017, gia đình ông có thu nhập từ cây ăn quả là hơn 700 triệu đồng.
Đáng nói, ở xã, những vườn bưởi thu nhập vài trăm triệu trở lên như nhà ông Vinh là không hiếm. Nhờ cây bưởi, nhiều gia đình thoát nghèo, kinh tế phát triển, đời sống trở nên khấm khá hơn. Hiện tại, tổng số hộ nghèo cuối năm 2017 của xã là 190 hộ, nay đã giảm còn 136, (tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 9,64%).
Bà Khúc Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, Phúc Ninh đang hình thành vườn chuyên canh cây ăn quả lớn, với 28 trang trại kinh tế tổng hợp, trong đó có những hộ sở hữu tới 10ha cây ăn quả; sử dụng 2 máy cuốc mini để canh tác, thu nhập hằng năm lên đến cả tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ bưởi Diễn Phúc Ninh đang rất rộng; xuất hiện tại nhiều tỉnh phía Nam lẫn phía Bắc do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Theo đó, cây bưởi đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Phúc Ninh lần thứ XX, với mục tiêu phát triển thành vùng chuyên canh, giữ vai trò chủ đạo để phát triển các cây ăn quả chuyên canh khác như cam, quýt, nhãn, vải, na... Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con cẩn trọng khi phát triển diện tích trồng mới, giữ ở mức như hiện tại để phát triển bền vững, tránh đưa cây bưởi vào tình trạng “cung vượt quá cầu”.
Phát triển theo xu hướng nông nghiệp mới
Ở Phúc Ninh, cây bưởi nói riêng và cây ăn quả nói chung đang là đòn bẩy trong phát triển đời sống kinh tế-xã hội của bà con. Vì thế, xã đang chủ động vận động, khuyến khích người dân phát triển trồng cây ăn quả theo hướng bền vững; đầu tư khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để tăng năng suất trong đó có cây bưởi.
Với ưu điểm của bưởi, là loài cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch khá; có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không ảnh hưởng. Do đó, nhiều hộ đã lựa chọn cây bưởi là cây kinh tế của gia đình, chủ động nâng cao chất lượng cây bưởi, đảm bảo sạch, an toàn như sử dụng phân hữu cơ, không phun thuốc trừ cỏ; một số hộ còn lắp đặt hệ thống tưới nước chủ động. Việc chăm sóc, bảo quản khi bưởi ra quả cũng được đảm bảo kỹ thuật; mua túi chuyên dụng để bọc bưởi; mở sổ theo dõi từng cây, từng năm để so sánh sản lượng năm trước, năm sau.
Đặc biệt, từ tháng 4 năm 2016, cây bưởi Diễn Phúc Ninh đã chính thức được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, địa phương đang thành lập hợp tác xã phát triển cây ăn quả, với mục đích tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền khoa học kỹ thuật, xây dựng các câu lạc bộ trồng bưởi... nhằm hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng từ khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP cho 6 hộ dân trong xã tham gia thử nghiệm…; hướng đến mở rộng diện tích, canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chuyên ngành cũng tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết các cơ sở thu mua tiêu thụ sản phẩm của nông dân, tạo đầu ra bền vững, xây dựng thương hiệu Bưởi Phúc Ninh có chỗ đứng trên thị trường nông sản.
HỒNG PHÚC