Dự Hội thảo có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang; đại diện các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); lãnh đạo Quân khu 9; đại diện các viện, hội, trường; các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Dự hội thảo phía tỉnh Sóc Trăng có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Cẩm Đào; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, Tp. Sóc Trăng.
Dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, là tỉnh còn nhiều khó khăn, đông đồng bào Khmer nhất khu vực, thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành cảng biển Trần Đề, đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư cảng biển Trần Đề. Tỉnh Sóc Trăng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quá trình kêu gọi đầu tư và tham gia đầu tư cảng biển Trần Đề, nhằm góp phần đưa khu vực ĐBSCL phát triển về kinh tế, tạo cơ hội cho đồng bào trong khu vực có được việc làm trên chính quê hương mình, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng vững mạnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP. Hồ Chí Minh. Thực trạng này đã làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, chưa kể tạo áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ của khu vực.
Mới đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu nay của vùng. Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Ngày 24/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 886 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.
“Với những định hướng trên, cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL; giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh.
Thảo luận tại Hội thảo, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, cần thiết phải đầu tư một cảng biển xanh cho vùng ĐBSCL và quy mô quốc tế. Đó là Cảng biển nước sâu Trần Đề. Còn ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm SaoTa (Sóc Trăng) cho rằng, cảng Trần Đề hình thành sẽ tác động lớn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể cho rằng, so với các cảng khác, cảng Trần Đề có nhiều lợi thế hơn. ĐBSCL hiện đang phát triển mạnh nông lâm nghiệp nhưng chưa phát triển mạnh công nghiệp vì chưa có đủ cao tốc, cảng. Nếu đủ, sẽ thúc đẩy công nghiệp ĐBSCL phát triển mạnh khi giao thông vận tải kết nối hoàn chỉnh. Qua đó có thể thấy, cảng Trần Đề đi vào hoạt động sẽ thúc đấy GDP ĐBSCL tăng trưởng cùng cả nước. Với biến đổi khí hậu hiện nay, cần có chiến lược đầu tư lâu dài trong xây kè chắn sóng. Cần tính toán xây các khu vận chuyển tàu dưới 30.000 tấn để phát huy ngay hiệu quả kinh tế, sau đó có chiến lược xây dựng các khu bốc dỡ tàu 80.000 - 100.000 tấn.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, đến hết năm 2023, trễ nhất năm 2024, bộ sẽ hoàn tất quy hoạch vùng nước cảng biển của khu vực và tỉnh Sóc Trăng để nhanh chóng trình Chính phủ phê duyệt, sớm triển khai thực hiện dự án. Chính phủ đã đưa cảng Trần Đề vào mục tiêu đầu tư phát triển quốc gia. Đây là dự án rất tâm huyết của Chính phủ, Quốc hội để đưa vùng ĐBSCL phát triển. Cảng Trần Đề được triển khai, được kết nối với hệ thống cao tốc sẽ là lựa chọn tối ưu cho ĐBSCL để đưa vùng này phát triển cùng nền kinh tế cả nước.
Sau hội thảo, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp ủy, chính quyền tỉnh thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề. Đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư cảng biển Trần Đề.