Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng đã báo cáo đến Đoàn công tác về kết quả thực hiện Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kết luận số 49 về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh; chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Qua quá trình triển khai thực hiện, chất lượng giáo dục của tỉnh từng bước được nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, đến nay, tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ quản lý là 100%; tỷ lệ đạt chuẩn của giáo viên là trên 81%. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 372/463 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ trên 80%.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, cho rằng:“Chương trình Giáo dục phổ thông mới cơ bản phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, rõ ràng là rất linh hoạt, chúng ta không còn thực hiện theo kiểu truyền thụ kiến thức nữa. Chương trình có tình linh hoạt cao, có sự phân luồng của học sinh ở cấp trung học phổ thông, có nghĩa khi học hết lớp 9 các em lên cấp THPT là các em có thể lựa chọn các môn học đúng với năng lực, sở trường của mình để từ đó tiếp cận nghề nghiệp sau này thuận lợi”.
Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Sóc Trăng cũng một số khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, như: Là tỉnh đông đồng bào DTTS, cơ sở vật chất các trường được đầu tư chưa đồng bộ, nhất là cấp mầm non, tiểu học; việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, công tác xã hội hóa, chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, chất lượng giáo dục tuy có bước phát triển nhưng chưa bền vững, không đồng đều giữa các trường và địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai ghi nhận những ý kiến của tỉnh và cho biết, sẽ xem xét kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời cũng lưu ý đến tỉnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm, chú trọng hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển giáo dục; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, cũng như đào tạo nghề cho người lao động địa phương...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào tin rằng những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc của Đoàn công tác sẽ giúp ngành Giáo dục Sóc Trăng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần giải quyết hiệu quả những mặt hạn chế trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, đó là phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.