Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được áp dụng từ năm học 2020 - 2021, bắt đầu với lớp 1, đến năm học 2022 - 2023 triển khai từ lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Chương trình GDPT 2018, được đánh giá đã đáp ứng mục tiêu đổi mới GDPT theo quy định tại Nghị quyết 29 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đổi mới chương trình giảng dạy
Chương trình GDPT 2018, triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song kết quả thực hiện Chương trình được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng miền. Chương trình được đánh giá đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc triển khai thực hiện.
Cụ thể tại Lạng Sơn, triển khai thực hiện Chương trình việc giảng dạy, học tập theo chương trình đã ổn định và đi vào nền nếp; học sinh được phát huy theo năng lực, nguyện vọng, sở thích; giáo viên dần thích ứng với sự đổi mới, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá.
Kết thúc năm học 2021 - 2022, đối với học sinh khối lớp 6, có 98,6% học sinh đạt kết quả học tập từ mức đạt trở lên và 100% học sinh đạt về kết quả rèn luyện. Đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2 có 99,1% học sinh được xếp loại từ hoàn thành trở lên đối với môn tiếng Việt; 99,4% học sinh xếp loại hoàn thành trở lên đối với môn toán.
Cô Ong Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Với sự nỗ lực của toàn ngành, sau 2 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, các giáo viên tham gia giảng dạy đã có chuyển biến cơ bản trong nhận thức về chương trình GDPT mới. Qua kiểm tra, đánh giá của ngành về thực hiện chương trình mới này, ở cấp tiểu học, học sinh cơ bản có chuyển biến rõ rệt về kiến thức và kỹ năng.
Theo ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, trong quá trình tổ chức thực hiện, ngoài các lớp tập huấn, hướng dẫn của ngành, các cơ sở giáo dục đã chủ động sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi về tổ chức dạy học chương trình mới. Qua đó, dần đưa việc dạy và học vào nền nếp, hiệu quả.
Còn tại Bảo Lạc (Cao Bằng), qua 3 năm nỗ lực thực hiện Chương trình GDPT mới, đối với lớp 1 và 2 cho thấy, những bước chuyển biến về mọi mặt, đặc biệt là chất lượng giáo dục được nâng cao. Số học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 99,6% học sinh hoàn thành chương trình lớp học.
Cô Nguyễn Thị Mạnh - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Bảo Toàn cho biết: Trường có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ. Năm học 2022 - 2023, toàn trường có 304 học sinh là con em các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Giáy với 21 lớp học, trong đó có 3 lớp ghép, 18 lớp đơn.
Để bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, nhà trường chủ động xây dựng phương án dạy học, phù hợp với điều kiện thực tế. Vận động học sinh tại một số điểm trường về học bán trú tại trường chính để thực hiện chương trình học tiếng Anh và Tin học.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc xây dựng và ban hành Chương trình GDPT 2018 đã đáp ứng mục tiêu đổi mới GDPT. Chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, bảo đảm hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp.
Linh hoạt, chủ động các phương pháp giảng dạy
Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình GDPT 2018 có 10 điểm mới quan trọng so với Chương trình GDPT 2006. Cụ thể như: Nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò sách giáo khoa; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh; yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.
Từ chương trình đổi mới toàn bộ và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đồng thời, tăng quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên với mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học…
Về phương pháp dạy học, học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất với phương châm “học qua làm”. Chương trình “mở” đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học. Từ đó, vai trò của người thầy cũng chuyển từ vị trí “người dạy” sang vị trí “người tổ chức kiểm tra, định hướng” hoạt động học của học sinh…
Minh chứng như, tại Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, chất lượng giáo dục chưa đồng đều, nhưng sau 3 năm triển khai và thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã đạt hiệu quả bước đầu.
Qua thực tế cho thấy, chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh học 2 buổi/ngày; cơ sở vật chất, đội ngũ cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Theo ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, triển khai chương trình mới, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc, đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương pháp đánh giá quá trình học tập. Học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để rèn kĩ năng sống, tăng tính thực hành và gắn học tập với thực tiễn cuộc sống, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, học tập.
Giáo viên được giao quyền chủ động, xây dựng nội dung kế hoạch môn học, lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh.
Thầy Hoàng Kim Đô - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Số 2 Bản Lang, huyện Phong Thổ cho biết: Hiện nay, đội ngũ giáo viên đã nắm rõ, nắm vững nội dung và tinh thần của chương trình mới thông qua học tập, nâng cao trình độ, bảo đảm yêu cầu, lộ trình đặt ra. Từ đó, nhà trường cũng chủ động, linh hoạt hơn trong việc bố trí giáo viên, sắp xếp kế hoạch năm học, đặc biệt đối với những môn học mới.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ GD&ĐT, sau 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và đang triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, thực tế cho thấy chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh học 2 buổi/ngày. Theo đó, 100% các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường.
Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình GDPT 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 thì, triển khai Chương trình GDPT 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.