Làm phong phú thêm nghề truyền thống
Hà Nội - Kẻ Chợ - 36 phố phường xưa kia nay chỉ còn đọng lại một vài dấu tích nơi khu phố cổ. Nhưng vẫn còn đó một Hà Nội với vị thế là địa phương có số lượng làng nghề truyền thống nhiều nhất cả nước.
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, tính đến tháng 4/2024, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống đã được công nhận, thuộc địa bàn 25/30 quận, huyện. Thủ đô cũng là nơi hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, kết tinh sáng tạo, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Thủ đô đón nhận thêm những tinh hoa nghề truyền thống của đồng bào các DTTS. Đặc sắc, độc đáo và có giá trị “kép” cả về kinh tế cũng như tri thức văn hóa truyền thống có lẽ là nghề làm thuốc Nam của đồng bào dân tộc Dao (Dao quần chẹt) ở các thôn: Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất, cùng thuộc xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Tháng 12/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề chế biến thuốc Nam dân tộc Dao” cho các thôn này.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, doanh thu của các làng nghề trên địa bàn thành phố ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn Thủ đô sinh sống chủ yếu ở huyện Ba Vì; trong đó tập trung nhất ở xã Ba Vì, chiếm tới 98% dân số toàn xã. Thiên nhiên ban tặng cho Ba Vì hình thái khí hậu khá đặc biệt, quanh năm mát mẻ. Đây là điều thuận lợi giúp nhiều loại dược liệu phát triển.
Theo thống kê của các nhà khoa học, trên dãy núi Ba Vì xanh thảm hiện có hơn 500 loài dược liệu khác nhau, trong đó có những loài quý hiếm, đặc hữu. Cộng đồng dân tộc Dao nơi đây đã tích lũy được tri thức dân gian trong nhiều thế kỷ để hình thành nên các bài thuốc hữu hiệu.
Là người am hiểu sâu sắc giá trị nghề truyền thống của dân tộc mình, lương y Triệu Thị Thanh, sinh năm 1949, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì, cho biết, người Dao làm thuốc để chữa bệnh cho cộng đồng mình, sau đó là người bệnh khắp các vùng gần xa. Kho tàng tri thức bản địa về các loại dược liệu sinh trưởng tại dãy núi Ba Vì, đã được đồng bào người Dao tích lũy qua nhiều thế hệ và là vốn liếng quý báu của những người làm thuốc tại địa phương.
Khi sáp nhập về Thủ đô, nghề làm thuốc Nam của đồng bào dân tộc Dao ở Ba Vì đã làm phong phú thêm giá trị tinh hoa truyền thống của đất trăm nghề. Ở chiều ngược lại, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Ba Vì thuộc Thủ đô, với nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của thành phố, nghề truyền thống đã giúp đồng bào dân tộc Dao ở Ba Vì đưa nghề truyền thống vào dòng chảy hội nhập, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì - ông Lăng Văn Hà, nếu như 15 năm trước, trên địa bàn xã cứ 10 hộ thì có 3 hộ nghèo, nay cả xã chỉ còn 7 hộ nghèo (tương ứng 0,52% tổng số hộ). Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã hiện đã đạt gần 70 triệu đồng/năm. Đời sống của đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Ba Vì ngày một đổi thay rõ nét.
Thêm nghề để phát triển
Trong dòng chảy hội nhập, cùng với gìn giữ, phát huy các nghề truyền thống để làm phong phú thêm nền văn hóa Hà thành thì đồng bào các DTTS ở Hà Nội cũng tiếp nhận, phát triển thêm nhiều nghề mới. Được thiên nhiên ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, cùng với sự cần cù, chịu khó của đồng bào và nguồn lực hỗ trợ của chính quyền các cấp, nhiều làng nghề, làng có nghề ở vùng DTTS của Thủ đô đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Là xã miền núi của huyện Ba Vì, Tản Lĩnh được biết đến là vùng non nước hữu tình, cảnh quan thiên nhiên đa dạng với nhiều khu du lịch nổi tiếng. Đây là một trong 13 xã thuộc vùng DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội. Toàn xã có khoảng 4.100 hộ dân, với hơn 16.000 nhân khẩu, gồm các dân tộc Kinh, Mường,Tày, Nùng cùng sinh sống.
“Khi đô thị được xem là đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đậm tình người”.
Ông Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trước đây, người dân ở xã Tản Lĩnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên thu nhập bình quân của xã trước khi sáp nhập về Hà Nội rất thấp, ước khoảng 21,6 triệu đồng/người/năm.
Nhưng nay, ở Tản Lĩnh đã xuất hiện thêm nhiều nghề mới đem lại thu nhập cao; trong đó có nghề trồng mai trắng, nghề nuôi chăn nuôi bò sữa,...
Thôn An Hòa có 257 hộ dân, với khoảng 1.200 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Kinh, Mường, Tày, Nùng cùng sinh sống. Ngoài sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi bò sữa thì những năm gần đây, nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn là từ nghề trồng hoa mai trắng. Tháng 12/2021, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” cho nghề trồng “nhất chi mai” ở thôn An Hòa.
Nghề mới đã đem lại thu nhập rất cao cho bà con thôn An Hòa. Theo Trưởng thôn An Hòa - bà Bùi Thị Ánh Hoa, thôn hiện có 100 hộ trồng cây mai, với tổng diện tích 45 ha. Nghề trồng “nhất chi mai” đã góp phần đưa thu nhập bình quân của thôn An Hòa hiện hơn 85 triệu đồng/người/năm, cao nhất toàn xã; “đi trước” mục tiêu mà TP. Hà Nội phấn đấu hướng đến vào cuối năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của nông dân khu vực ngoại thành là 80 triệu đồng/người/năm. Nghề trồng hoa mai ở An Hòa cũng đã góp phần đem hương sắc phương Nam hòa vào dòng chảy văn hóa Hà thành, lan tỏa ra các tỉnh khu vực phía Bắc.
Những nghề mới cùng với nghề truyền thống của đồng bào DTTS Thủ đô đang làm phong phú thêm tri thức dân gian ở mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đúng như chia sẻ của ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, rằng: “Với bề dày lịch sử, Hà Nội là nơi phát sinh rất nhiều nghề do những tiền nhân truyền lại, trong đó, rất nhiều nghề quý. Truyền thống lịch sử, văn hóa và bản sắc của dân tộc rất mạnh mẽ trong các làng nghề. Song song với quá trình phát triển, hiện nay cũng có nhiều làng nghề mới phát triển thịnh vượng".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Phạm Đức Quyền, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề luôn được Thành phố quan tâm. Để phát triển làng nghề và nghề truyền thống, những năm qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh phát triển làng nghề là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Được biết, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hoàn thiện “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2050”, trình UBND thành phố trong tháng 8/2024. Những cơ chế, chính sách để phát triển nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội là rất cấp thiết. Các nghề, làng nghề đều có đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt lưu giữ, kết nối, lan tỏa văn hóa. Xã hội càng phát triển, các làng nghề truyền thống của Thủ đô càng cần được quan tâm, phát huy giá trị trong dòng chảy văn hóa Hà thành.
Nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề và nghề truyền thống, trong Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh ưu tiên phát triển nghề, làng nghề; đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa.