Nhiều chỉ tiêu vượt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ
Theo đánh giá trong “Báo cáo phát triển con người toàn cầu 2021/2022” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) được công bố ngày 9/9/2022, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid – 19 trong năm 2020 và 2021 nhưng Chỉ số phát triển con người của nước ta vẫn được duy trì, không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Không những vậy, Việt Nam còn tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về Chỉ số phát triển con người, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.
Trước đó, trong “Báo cáo phát triển con người 2019”, UNDP đánh giá Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng đáng kể sau hơn 35 tiến hành Đổi mới. Đặc biệt, UNDP đánh giá cao về nỗ lực bảo đảm bình đẳng trong cơ hội phát triển giáo dục của Việt Nam.
Chỉ số quan trọng nhất để UBDP đánh giá sự bình đẳng này là Chỉ số tri thức (đo lường ở số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng) của Việt Nam đã tăng lên. Nếu như năm 1990, số năm đi học kỳ vọng của nước ta là 7,8 năm thì đến năm 2018 đã tăng lên 12,7 năm; số năm đi học bình quân tăng từ 4,0 năm (năm 1990) lên 8,2 năm vào năm 2018.
Trước năm 2010, UNDP đo lường Chỉ số tri thức bằng tỷ lệ người lớn biết chữ. Nếu chiếu theo tiêu chí này thì Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Số liệu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” (tổ chức ngày 18/6/2021) cho thấy, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 ở Việt Nam đạt 97,85%; trong đó nhóm tuổi 15-35 đạt 99,3%. Tại các khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 94,88%, độ tuổi 15 - 35 đạt 97,91%.
Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tại một hội thảo liên quan đến vấn đề này được tổ chức ngày 29/9/2021, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh thông tin, đến hết năm 2020, đối với mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, nếu tính theo vùng thì cao nhất là khu vực Đông Bắc (đạt 99,906%); thấp nhất là khu vực Tây Nguyên (đạt 97,893%).
“Nếu tính theo dân tộc, hầu hết các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi trên 94% và đạt mức tăng trưởng bình quân 0,5%/năm; là chỉ số đạt và vượt chỉ tiêu của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đề ra cho năm 2020. Đáng chú ý, có tới 50/53 DTTS đạt và vượt chỉ tiêu, 7 DTTS rất ít người đạt 100%”, bà Minh cho hay.
Kết quả này xuất phát từ sự đầu tư có trọng điểm cho lĩnh vực GD&ĐT vùng đồng bào DTTS và miền núi của Đảng, Nhà nước ta. Năm 1989, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; đến năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó yêu cầu ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS…
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành, triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc (Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2/10/2015; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9/5/2017;…). Theo khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), tỷ lệ chi ngân sách cho GD&ĐT của Việt Nam tương đối lớn, xấp xỉ 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm; trong đó, nguồn lực được ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc. Nhờ đó, công tác phát triển GD&ĐT ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt những kết quả tích cực, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao.
Bình đẳng về chăm sóc sức khỏe
Cùng với tập trung đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở những thành tựu của giai đoạn trước, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghi quyết xác định, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Năm 2022, tổng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế là 120.112 tỷ đồng, tính riêng chi ngân sách Trung ương là 28.560 tỷ đồng, tăng so với các năm trước đây do tăng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Như vậy, Nhà nước đã ưu tiên ngân sách, kết hợp với các nguồn xã hội hóa, các nguồn tài chính khác để đầu tư cho ngành y tế, đảm bảo công tác chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe của Nhân dân”.
Báo cáo số 47/BC-CP ngày 15/10/2021 của Chính phủ trình Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2022
Bởi vậy, những năm qua, bên cạnh thực hiện chủ trương xóa xã “trắng” về y tế, xây dựng, củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Nhà nước còn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Đầu tiên là củng cố mạng lưới y tế cơ sở; đến nay cả nước có hơn 700 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó hơn 60% số trạm đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020.
Để nâng cao tính công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, Chính phủ đã ban hành các nhóm chính sách để ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của người nghèo, vùng nghèo. Kế đó là nhóm chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến dịch vụ y tế công và cuối cùng là nhóm chính sách nhằm hỗ trợ tài chính cho người nghèo, vùng nghèo trong khám, chữa bệnh.
Trong Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, Ủy ban Dân tộc khẳng định, đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. So với giai đoạn trước, số người nghèo, người DTTS tham gia khám chữa bệnh BHYT tăng, đạt 42,909 triệu lượt người, chiếm 24% số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Các dịch bệnh sốt rét, bướu cổ cơ bản được không chế, tuổi thọ trung bình tăng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh qua từng năm.
“Thành tựu về giảm trẻ em suy dinh dưỡng nhanh, bền vững và giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em của Việt Nam đã bảo đảm tiến độ thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc khẳng định.
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, Việt Nam được UNDP đám giá cao trong thực hiện Chỉ số phát triển con người. Trong "Báo cáo phát triển con người 2019", Chỉ số sức khỏe của UNDP cho thấy, tuổi thọ trung binh của Việt Nam đã tăng từ 67,6 tuổi năm 1980 lên 75,3 tuổi năm 2018. Số giường bệnh tăng từ 192,3 nghìn giường năm 1990 lên 308,4 nghìn giường năm 2018 và tương ứng số bác sỹ tăng từ 31 nghìn lên 84,8 nghìn người...
Trong 2 năm (2020, 2021) chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid – 19 nên Chỉ số phát triển con người suy giảm trên toàn cầu, nhưng Việt nam vẫn duy trì. Điều này gây ấn tượng cho UNDP tại Lễ công bố "Báo cáo phát triển con người toàn cầu 2021/2022", ngày 9/9/2022 tại Hà Nội.
“Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch Covid - 19. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược trong tiến độ phát triển con người”, Báo cáo của UNDP đánh giá.
Cùng với đó, theo đánh giá của UNDP, Chỉ số Bất bình đẳng giới của Việt Nam, đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ, tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. Những nỗ lực can thiệp về bình đẳng giới, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã đóng góp vào sự tăng trưởng toàn diện của địa bàn này.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.