Bảo đảm tư liệu sản xuất
Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 DTTS với dân số hơn 14,2 triệu người. Đồng bào các DTTS cư trú chủ yếu ở miền núi, địa bàn chiếm ¾ diện tích cả nước. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và tài nguyên thiên nhiên của đất nước; nhưng cũng là vùng có cấu tạo địa chất phức tạp, có độ dốc cao, chia cắt, cơ sở hạ tầng khó khăn, tập trung chủ yếu là các xã nghèo, huyện nghèo.
Hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp. Dù một bộ phận lao động DTTS hiện đã có thu nhập khác trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng đây vẫn là sinh kế chính và quan trọng nhất (khoảng trên 90% lao động người DTTS sinh sống bằng nghề nông); đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng… là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS.
Vì thế, bảo đảm tư liệu sản xuất cho đồng bào DTTS, là chủ trương nhất quán của Đảng ta. Chủ trương này đã được quán triệt tại Nghị quyết 24/NQ-TW năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc (được kế thừa và phát triển tại Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khóa XII); Nghị quyết số 19/NQ-TW, ngày 31/10/2012 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI; Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 6/6/2022…
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, giao rừng khoanh nuôi bảo vệ và phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS thiếu, hoặc chưa có đất sản xuất, được triển khai liên tục hàng chục năm qua. Việc phát huy hiệu quả chính sách đã tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS.
Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, từ năm 2003 đến hết năm 2016, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ đất sản xuất cho 107.827 hộ; đồng thời hỗ trợ đất ở cho 93.664 hộ. Cùng với đó, Nhà nước đã 805.559 ha rừng cho 12.095 cộng đồng DTTS và 936.135 ha rừng cho 439.374 hộ DTTS khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển kinh tế.
Cùng với giao đất, giao rừng, Nhà nước cũng hỗ trợ cây-con giống, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để đồng bào DTTS gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi trên cùng diện tích, từng bước chuyển dịch sang nền sản xuất hàng hóa giá trị cao. Đồng bào DTTS cũng được hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là mô hình du lịch cộng đồng (homerstay).
Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc, tính đến cuối năm 2017, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi có hơn 5.000 homerstay, bảo đảm lưu trú cho gần 100 nghìn khách; trong đó 1.800 cơ sở được cộng nhận đạt chuẩn.
“Du lịch cộng đồng bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập cho đồng bào DTTS. Các điểm du lịch ở Sa Pa – Lào Cai có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không có du lịch cộng đồng”.
(Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020)
Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS từ mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục được triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Dự án 6). Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025 giải quyết cơ bản nhu cầu đất sản xuất của đồng bào (Dự án 1), theo chủ trương của Đảng tại Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 6/6/2022.
Gia tăng năng suất lao động
Mặc dù đầy nỗ lực, nhưng việc giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho đồng bào DTTS đến nay, vẫn là bài toán khó đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS. Nguyên nhân là do quỹ đất không còn, bị tác động bởi thiên tai và tình trạng di cư tự phát chưa chấm dứt; cũng như thực trạng nhiều hộ đồng bào đã được hỗ trợ đất sản xuất nhưng đem cầm cố, chuyển nhượng,…
Vì thế, TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, cùng với việc hỗ trợ đất sản xuất thì một giải pháp quan trọng khác là hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS. Đây là giải pháp không chỉ giải quyết bài toán tạo việc làm cho lao động người DTTS, mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc, từ nhiều năm nay, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động người DTTS đã được triển khai theo các Quyết định: 53/2015/QĐ-TTg, 46/2015/QĐ-TTg 971/QĐ-TTg...; qua đó đã hỗ trợ đào tạo trên 1,1 triệu lao động, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Đến nay, 86,1% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm.
Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, gần 1,5 triệu lao động người DTTS đã được hỗ trợ học nghề. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015 có 690 nghìn lao động được hỗ trợ học nghề, giai đoạn 2016 – 2020 là hơn 800 nghìn người.
“Ở nhiều địa phương, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nhiều người DTTS sau khi học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ theo phương châm ly nông bất ly hương”, Báo cáo số 732/BC-UBDT khẳng định.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (vay vốn, hỗ trợ kinh phí học nghề, giáo dục định hướng, hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh,…), cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động người DTTS. Giai đoạn 2009 – 2015, tại 64 huyện nghèo của cả nước đã có 15.600 lao động người DTTS xuất cảnh; giai đoạn 2016 – 2019 có trên 4.200 người xuất cảnh.
Với các giải pháp tạo việc làm đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá mạnh mẽ. Số liệu trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 cho thấy, tại thời điểm năm 2018, trong các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi có 4 tỉnh/thành phố có cơ cấu nông lâm nghiệp – công nghiệp – dịch vụ; 11 tỉnh/ thành phố có cơ cấu công nghiệp – dịch vụ - nông lâm nghiệp; có hơn 30 tỉnh/thành phố có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông lâm nghiệp…
Riêng đối với ngành nông nghiệp, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS đã triển khai các mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao (Sơn La, Hòa Bình, Đăk Lăk, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre,…). Trong ngành lâm nghiệp, một số địa phương đã phát huy tiềm năng để hình thành cây trồng thế mạnh (cây keo, quế ở Quảng Ngãi; cây hồi ở Lạng Sơn; cây Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam; cây dược liệu ở Quảng Trị,…).
Các chính sách tạo dựng cơ hội việc làm, đã góp phần làm thay đổi cơ bản đời sống của đồng bào DTTS. Nhờ đó, các chỉ tiêu bình đẳng về thu nhập trong tăng trưởng toàn diện (tỷ lệ hộ nghèo, chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất,…) ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được bảo đảm.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Trong Mục tiêu 8 (gồm 10 chỉ tiêu) của 17 Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, Liên Hợp quốc khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả dài hạn, tạo việc làm đầy đủ, năng suất cao và bền vững cho tất cả mọi người. Mục tiêu đến năm năm 2030 cung cấp công ăn việc làm chất lượng và bền vững cho tất cả phụ nữ và nam giới, kể cả những người trẻ tuổi và người khuyết tật, và trả công bằng nhau cho công việc có giá trị ngang nhau; đến năm 2030 đưa ra và thực hiện các chính sách thúc đẩy du lịch bền vững, tạo công ăn việc làm, khuyến khích các sản phẩm và văn hóa địa phương;…