Giá trị của nghệ thuật biểu diễn
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Một trong những nhân tố không thể thiếu trong tổng thể nền văn hóa đa dạng ấy, phải kể đến nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc của 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S. Loại hình nghệ thuật này không những thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn đem lại giá trị lớn trong việc khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch bởi tính hấp dẫn với những trải nghiệm trực tiếp, đem lại những xúc cảm chân thực và sinh động đối với du khách.
Vì những giá trị to lớn, cũng như những ý nghĩa sâu sắc này mà trong nhiều năm qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong ngành Văn hóa, những người đam mê với nghệ thuật đã cùng phục dựng, sưu tầm, biên soạn, phát huy những giá trị nghệ thuật đó để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em. Trong số những người tâm huyết ấy, có tên của tác giả Tòng Thị Phóng với tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn”.
Đó là trách nhiệm, cũng là đam mê
Bà Tòng Thị Phóng là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng, thấm đượm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Từ nhỏ, bà đã được sống và đắm mình trong các điệu múa, câu hát, tiếng chiêng của dân tộc Thái, một dân tộc với nhiều nét văn hóa đặc sắc ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Qua nhiều năm công tác ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có nhiều vị trí liên quan trực tiếp đến vùng DTTS, nên hơn ai hết, bà có tình yêu, sự quan tâm với văn hóa dân tộc Thái nói riêng, cũng như những cảm nhận sâu sắc về giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung.
Tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn” được bà Tòng Thị Phóng dày công nghiên cứu, chắt lọc từ những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc sinh sống tại Sơn La và xem xét 16 điệu múa xòe của người Thái, để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính đoàn kết, góp phần làm sinh động đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc vùng cao Tây Bắc.
Bà Tòng Thị Phóng cho biết: “Muốn hòa nhập cộng đồng, muốn tham gia các nội dung liên quan đến hoạt động chính sách thì cái đầu tiên cần phải hòa nhập, chính là bản sắc văn hóa. Chính vì vậy, khi được phân công làm công tác dân tộc, tôi đã nỗ lực, cố gắng và dày công nghiên cứu để làm nên một tác phẩm mang tính đoàn kết dân tộc”.
Bà đã trực tiếp hướng dẫn, chỉnh sửa, uốn nắn từng động tác cho các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, nơi đầu tiên được tập huấn “Vũ điệu kết đoàn”. Bên cạnh đó, bà còn tham gia một số buổi giao lưu, trình diễn và trực tiếp biểu diễn "Vũ điệu kết đoàn" trước mọi người, nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn.
Là người tham gia buổi tập huấn cùng tác giả, chị Lò Thị Hương, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La cho biết: Tôi rất vinh dự là một trong những người đầu tiên được truyền dạy “Vũ điệu kết đoàn”, đặc biệt là có dịp được tác giả Tòng Thị Phóng trực tiếp hướng dẫn, chỉnh sửa, uốn nắn từng động tác.
Trong quá trình tập luyện, tôi đã cảm nhận được những tình cảm, tâm huyết của tác giả và mong muốn truyền tải được nguồn cảm hứng đó đến với học viên. Thời gian tập huấn tuy không nhiều, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực truyền dạy nội dung điệu múa cho các học viên; dành thời gian kèm cặp, hỗ trợ từng người; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc học và luyện tập tác phẩm; giúp các học viên ghi nhớ và biểu diễn thuần thục.
Bà Tòng Thị Phóng là người con ưu tú, xuất sắc của Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, là Đại biểu Quốc hội người DTTS tham gia Quốc hội 5 khóa, từ khóa X đến khóa XIV. Bà đã được phân công giữ các chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, một tỉnh vùng DTTS và miền núi; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Chủ tịch Hội đồng công tác quần chúng của Trung ương; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Ngày 8/11, tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu tác phẩm rộng khắp, UBND tỉnh Sơn La và các sở, ban, ngành của tỉnh đã và đang tích cực triển khai kế hoạch ghi hình, sản xuất đĩa DVD và phổ cập tác phẩm múa “Vũ điệu kết đoàn”.