Là cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của tỉnh, bưởi năm roi được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Mỹ Hòa. Sản phẩm đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2013. Tuy nhiên, vài năm qua ngày càng có nhiều vườn bưởi bị vàng lá, chết cây khiến nông dân mất thu nhập.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Do là vùng canh tác bưởi lâu năm, phần lớn diện tích trồng bưởi ở xã Mỹ Hòa đã bị thiếu hụt dinh dưỡng trong đất, mầm bệnh trên cây bưởi nhiều và dễ lây lan do tập quán chiết nhánh trồng mới của nhà vườn.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các ngành, đơn vị tìm giải pháp nâng cao chất lượng bưởi năm roi, trong đó nỗ lực tìm giải pháp khắc phục bệnh trên cây bưởi. Theo đó, đã có một số nông dân thực hiện áp dụng quy trình phục hồi do Phòng Kinh tế TX. Bình Minh phối hợp với chuyên gia tại Trường Nông nghiệp- Trường ĐH Cần Thơ hướng dẫn kỹ thuật.
Theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng lá, chết cây bưởi năm roi là do nông dân canh tác lâu năm, mầm bệnh tích tụ, cộng với thời gian dài bổ sung lượng lớn phân bón hóa học làm đất bị nén dẽ. Việc bón phân hóa học còn khiến đất bị chua, pH thấp.
Từ những lý do trên làm đất kém thông thoáng, rễ không có điều kiện phát triển, hấp thu dinh dưỡng yếu. Quy trình phục hồi vườn cây dựa trên 2 yếu tố chính là phục hồi đất và tạo cành nhánh mới.
Cụ thể, tạo độ tơi xốp, thông thoáng cho đất; nâng pH và bổ sung 13 chất dinh dưỡng cần thiết cho cây bưởi bằng phân hữu cơ. Cắt tỉa cành, nhánh phù hợp để tạo tán lá mới. Ghi nhận tại các vườn có tuổi cây từ vài năm đến trên 20 năm sau khi áp dụng đều phục hồi tốt.
Áp dụng các giải pháp phục hồi cho vườn bưởi, ông Phạm Văn Minh (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) cho hay: “Thời gian trước, vườn bưởi của tôi bị suy yếu, vàng lá, cành nhánh không phát triển, thậm chí có cây còn bị chết nhánh và chết luôn cả cây.
Sau khi áp dụng các giải pháp phục hồi được hơn nửa năm, hiện vườn bưởi đã hồi phục 60-70%. Cành lá xanh, phát triển tốt, tôi còn chuẩn bị thu hoạch đợt trái đầu tiên sau thời gian dài mất năng suất”.
Theo PGS.TS Trần Kim Tín- Trường Nông nghiệp- Trường ĐH Cần Thơ, khi bưởi bị vàng lá cần phải xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Thông thường sẽ nghĩ đến nguyên nhân do cây bị bệnh, nhưng có thể do đất bị suy thoái bởi nếu đất bị nén dẽ cây không phát triển được, khi bón phân cây không hấp thụ.
Do đó, phải bón phân hữu cơ, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng 13 chất cho cây bưởi. Nông dân phải xới đất, rải trấu vào đất để giữ độ xốp cho đất, để đất không dẽ lại, sau đó đo độ chua của đất- đây cũng là yếu tố quyết định việc hấp thụ dinh dưỡng của cây, nếu đất có độ chua nhiều quá thì cây cũng không hấp thu dinh dưỡng được.
Để cung cấp 13 chất dinh dưỡng cho cây bưởi, theo PGS.TS Trần Kim Tín, những chất này có nhiều trong phân gà, phân cá, đây là nguồn phân hữu cơ tốt cho cây trồng, cải tạo vườn cây rất tốt hoặc có thể dùng phân lân nung chảy Lào Cai, lân nung chảy Ninh Bình, không nên dùng những phân có tính chua vì nó làm hư rễ cây. Để đối chứng hiệu quả, nông dân có thể áp dụng diện tích nhỏ trong vườn, sau khi áp dụng có hiệu quả thì có thể áp dụng cho cả vườn.
Việc nhân rộng mô hình phục hồi vườn bưởi năm roi bị vàng lá chết cây bằng phương pháp hữu cơ hiệu quả sẽ góp phần khôi phục và phát triển vùng chuyên canh loại trái cây đặc sản của tỉnh Vĩnh Long, qua đó duy trì năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu và mang lại thu nhập cao cho nông dân.