Bộ Giao thông Vận tải đang giao cho Cục Hàng không Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiều địa phương đã có yêu cầu được bổ sung thêm cảng hàng không cho tỉnh nhà vào quy hoạch.
Đối với tỉnh Bình Phước, địa phương này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị, giao sân bay Técníc Hớn Quản cho Bình Phước mở rộng qui mô lên 400 - 500ha làm sân bay lưỡng dụng (vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng) theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi yêu cầu, UBND tỉnh và các sở ngành liên quan nghiên cứu, cùng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch một sân bay có quy mô nhỏ, lưỡng dụng để kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: “Bình Phước là tỉnh biên giới và đang hướng đến là một trung tâm phát triển công nghiệp - năng lượng. Do vậy, việc có một sân bay lưỡng dụng có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cùng với hệ thống đường cao tốc, đường sắt thì đây là lợi thế cần thiết để thu hút các nhà đầu tư lớn đến “xây tổ”, nhất là các nhà đầu tư, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Qua đó, giúp Bình Phước có thêm điều kiện phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng đất giàu truyền thống cách mạng”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đề nghị các sở ngành, đơn vị nhanh chóng thực hiện những phần việc được giao. Ngay trong tháng 3/2021, có kết quả báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để tỉnh đề nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tương tự Bình Phước, một số địa phương khác như: Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Ninh Bình, Hà Giang cũng đã có công văn đề xuất xây dựng các sân bay mới. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã đề xuất chuyển nâng cấp cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ xây dựng và đưa thêm 5 sân bay khác vào vận hành khai thác, bao gồm Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Trị và Long Thành. Trên thực tế, mật độ xây dựng sân bay của Việt Nam mới đạt 16.000 km2/cảng hàng không, ở mức trung bình so với các nước trong khu vực.