Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds-Anh (QS AUR) 2022 xếp hạng cho 675 cơ sở giáo dục đại học thuộc châu Á, trong đó có 38 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên tham gia xếp hạng.
Vượt qua nhiều ứng viên, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng. Trong đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở vị trí 142; Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí 147; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vị trí 179; Trường Đại học Duy Tân vị trí 210.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 281-290; Đại học Huế trong nhóm 401-450; Đại học Cần Thơ và Đại học Đà Nẵng trong nhóm 501-550; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong nhóm 551-600; Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong nhóm 601-650.
Bảng xếp hạng đại học châu Á được đánh giá dựa trên tiêu chí, chỉ số: Đánh giá của học giả; đánh giá của nhà tuyển dụng; tỷ lệ giảng viên/sinh viên; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ; số bài báo khoa học/giảng viên; tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học; Mạng lưới nghiên cứu quốc tế; tỷ lệ giảng viên quốc tế; tỷ lệ sinh viên quốc tế; tỷ lệ sinh viên đến trao đổi và tỷ lệ sinh viên đi trao đổi.
Trong Bảng xếp hạng năm nay, Singapore tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 2 cơ sở giáo dục đại học: NUS (National University of Singapore – hạng 1 châu Á; hạng 11 thế giới) và NTU (Nanyang Technological University Singapore – hạng 3 châu Á; hạng 12 thế giới).
Khu vực Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia có nhiều cơ sở giáo dục đại học trong top 50 nhất với 5 cơ sở giáo dục, trong đó, Đại học Malaya (Malaya University) có thứ hạng tốt nhất, thứ 8 châu Á.