Trước đây, ở vùng đồng bào Mông tỉnh Tuyên Quang nổi lên vấn đề xưng đón vua “Vàng Chứ” và hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, một số người Mông đã tin theo, do vậy công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Có nơi, đồng bào thấy có cán bộ đến không nói chuyện, không mời vào nhà, không nấu cơm cho ăn. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an muốn tiếp cận gia đình người dân phải nằm ngủ ngoài chòi trên nương, từng bước lân la trò chuyện với người dân để từng bước tạo ra mối quan hệ gần gũi.
Đơn cử như ở bản Ngòi Khù, bản xa xôi nhất xã Đạo Viện với 24 hộ, 121 nhân khẩu người Mông sinh sống. Cách đây vài năm, trong bản nổi lên tình trạng di cư tự phát, bà con tin theo tà đạo "Vàng Chứ", nhiều người bỏ bê sản xuất, trễ nải việc nhà. Trước tình hình như vậy, Công an huyện và xã đã đến từng nhà tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích rõ cho bà con hiểu âm mưu kẻ xấu đã lôi kéo, lừa gạt người Mông theo “Vàng Chứ”, bỏ bê sản xuất, đồng bào bị đói khổ lại còn phải nộp thóc, nộp tiền cho “Vàng Chứ”. Nghe lời giải thích của cán bộ Công an và cán bộ xã, bà con đã hiểu ra và từ bỏ tà đạo, tự giác đem nộp tài liệu lưu hành trái phép cho chính quyền và Công an xã.
Cùng với đó, CBCS không quản ngại khó khăn, vất vả, thường xuyên đến tận các bản làng xa xôi, vùng đồng bào DTTS để tuyên truyền; vận động quần chúng Nhân dân chung tay xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiêu biểu như Trung tá Nguyễn Văn Thuận, Thiếu tá Hoàng Văn Vương, Thiếu tá Bàn Văn Bắc... cả tháng trời lăn lộn tại cơ sở, bám địa bàn, bám dân để tuyên truyền, vận động Nhân dân không tin, không nghe theo lời kẻ xấu phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tự giác chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
Để đảm bảo an ninh trật tự, Công an tỉnh Tuyên Quang đã sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, kết hợp phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chú trọng tăng cường công tác phòng ngừa, tổ chức có hiệu quả nhiều đợt tấn công truy quét tội phạm. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an đã tổ chức tuyên truyền, phát động 3.765 buổi tại các thôn, xóm, bản với 451.800 lượt người tham gia; phát 25.150 phiếu tố giác tội phạm; tổ chức vận động 435.290 hộ gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật...
Qua thực tiễn công tác, ngày càng có nhiều tấm gương dũng cảm, tận tuỵ với công việc, bám địa bàn, bám dân, chấp nhận gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đã có 175 lượt tập thể, 605 lượt cá nhân đăng ký mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, các mô hình, điển hình được đăng ký thực hiện theo từng năm gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn. Tiêu biểu như: Phòng An ninh đối nội với mô hình “Vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, tín đồ trong vùng tôn giáo, Người có uy tín trong vùng DTTS, góp phần đảm bảo, ổn định ANTT”; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với mô hình “Đội nghiệp vụ làm công tác dân vận khéo”...
Để đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hằng năm, nhân các ngày lễ, Tết, lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Người có uy tín, già làng, trưởng bản, vận động xây nhà tình nghĩa; Tổ chức các hoạt động khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS... Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng Nhân dân.