Nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo
Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện Văn Quan đã triển khai hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu và các công trình cầu đường, nước sạch phục vụ đời sống cho người dân.
Tính đến tháng 9/2023, với kinh phí 41,357 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 40,152 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,205 tỷ đồng) huyện đã bố trí thực hiện 11 công trình giao thông; 06 công trình giáo dục và đào tạo; 03 công trình văn hóa xã hội. Các dự án chuyển tiếp cơ bản một số dự án đã hoàn thành, dự án có khối lượng 80-90%; đối với thi công mới đến nay đang thực hiện.
Kết quả giải ngân vốn thuộc kế hoạch năm 2023 đến nay, là 12,944/40,152 tỷ đồng, đạt 32,24% kế hoạch vốn. Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng 05 công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu với kinh phí 4,135 tỷ đồng.
Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Văn Quan được phân bổ kinh phí 68,421 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 66,428 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,993 tỷ đồng). Huyện đang tập trung đầu tư 05 dự án công trình cấp huyện, liên xã về cầu, đường tại các xã, thị trấn.
Đến cuối tháng 9/2023 đã giải ngân 3,247 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương), đạt 5,38% kế hoạch. Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng 06 công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện. Song song với đó, huyện cũng triển khai đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hiện nay, huyện Văn Quan đã phê duyệt được 11/11 dự án và đang tiến hành đấu thầu để thực hiện bàn giao con giống, vật tư để cộng đồng triển khai thực hiện.
Đối với Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, huyện Văn Quan đã thẩm định hồ sơ dự án và quyết định phê duyệt 02 dự án của 02 xã Điềm He (dự án trồng cây thanh long) và xã Hòa Bình (dự án nuôi ong mật); còn 02 dự án đã tiến hành thẩm định, gồm dự án chăn nuôi gà xã Liên Hội (vốn phân bổ năm 2022 chuyển nguồn sang 2023) và dự án trồng cây dưa hấu ghép xã Trấn Ninh. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng” và giao Trung tâm Y tế huyện triển khai thực hiện.
Bà Triệu Thị Ngân (dân tộc Tày, xã Tú Xuyên) cho biết, nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề nuôi cá lồng, đến nay sản lượng cá ước tính bình quân của gia đình bà đạt 360kg cá/lồng/năm, doanh thu mỗi lồng ước đạt 30 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống gia đình đã bớt vất vả hơn, kinh tế cũng ổn định.
Đặc biệt, thực hiện Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở năm 2023.
Theo đó, số nhà ở được hỗ trợ là 185 căn, trong đó: số căn hộ được xây dựng mới 91 căn; số căn hộ được cải tạo lại 94 căn. Hiện nay đã thực hiện hỗ trợ 52 hộ, trong đó sửa chữa 14 hộ, xây mới 04 hộ và đang thi công 34 hộ, chưa thực hiện giải ngân.
Tập trung giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo
Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Là huyện nghèo của tỉnh, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm đặc biệt. Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo giảm nghèo và huy động mọi nguồn lực, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội đối với công tác giảm nghèo; Chủ động tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ UBND tỉnh giao và thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo.
Trên cơ sở quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, huyện đã kịp thời giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, các xã tổ chức thực hiện.
Huyện Văn Quan đã đặt mục tiêu mỗi năm giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trở lên. Là huyện có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do đó để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện Văn Quan tiếp tục triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi, y tế... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, nhất là người nghèo về các chính sách giảm nghèo, từ đó nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.