Tăng cường chính sách phát triển giáo dục dân tộc
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội nói chung, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Theo đó, UBDT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS và miền núi; thể hiện thông qua việc thiết kế các chương trình chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú, dự bị đại học....
Theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg, ngày 26/9/2022, các trường: Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang, Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc được chuyển từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ủy ban Dân tộc quản lý.
UBDT đã chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.
Cụ thể như: Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 116/2016/NĐ-TTg ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT 31/12/2021 Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học…
Đặc biệt, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), UBDT chủ trì đã xây dựng kế hoạch và dành nguồn lực đầu tư lớn vào lĩnh vực giáo dục dân tộc. Cụ thể, thiết kế Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với 4 tiểu dự án.
Mục tiêu củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để bảo đảm tốt việc tổ chức dạy, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ; bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp…
Đặc biệt Dự án đã dành nguồn kinh phí 128,226 tỷ đồng để đầu tư Dự án đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS… Sau 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ đồng bào vùng DTTS và miền núi.
Chú trọng phát triển hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc
Thực hiện theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các trường dự bị đại học dân tộc chuyển cơ quan quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc UBDT. Việc UBDT trực tiếp quản lý các trường dự bị đại học sẽ có nhiều hơn những cơ hội trong việc tiếp cận nguồn đầu tư về cơ sở vật chất, những chính sách ưu tiên, thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, đào tạo vùng đồng bào DTTS, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương.
Ủy ban Dân tộc cũng đã xác định, các trường dự bị đại học dân tộc là cầu nối rất quan trọng để học sinh DTTS, nhất là học sinh DTTS rất ít người có cơ hội bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học. Thực tế, trong nhiều năm qua, hệ thống trường Dự bị đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, để củng cố phát triển mô hình chuyên biệt này, trong Chương trình MTQG 1719 UBDT cũng đã thiết kế Tiểu dự án 2 (Dự án 4): Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc. Mục tiêu củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh DTTS để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người DTTS.
Không chỉ được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Chương trình MTQG 1719 còn thiết kế Tiểu dự án 2, Dự án 5: “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp”.
Sau 3 năm triển khai, các dự án đã đạt hiệu quả tích cực, các trường được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, con em DTTS được tạo điều kiện học tập một cách tốt nhất.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương cho biết: Trong Chương trình MTQG 1719 có thiết kế các tiểu dự án riêng dành cho các trường dự bị đại học dân tộc. Đây là cơ sở để các cơ sở giáo dục dự bị đại học được đầu tư, phát triển toàn diện về mọi mặt trong thời gian tới, nhằm phát huy thế mạnh của loại trường chuyên biệt, qua đó nâng cao chất lượng bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đây là mốc quan trọng, đánh dấu một chặng đường mới, hướng đến mục tiêu phát triển tốt hơn đối với các Trường chuyên biệt. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị mới, trách nhiệm mới, bước ngoặt mới đối với UBDT- Cơ quan làm công tác dân tộc cấp Trung ương. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, UBDT sẽ quản lý các trường đúng phạm vi, bảo đảm các điều kiện hoạt động tốt nhất, để các trường phát huy thành tích, đạt được nhiều thành tựu mới.