Giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn cho đồng bào
Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo đó, tổng nguồn vốn cho vay tối đa thực hiện Chương trình MTQG 1719 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội là 9.000 tỷ đồng.
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Đồng thời, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và xác định nhu cầu vay vốn thuộc Chương trình MTQG 1719, tập trung ở một số dự án, tiểu dự án như: Dự án 1- Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 3): Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi… Qua đó, kịp thời giải quyết nhu cầu vay vốn của đồng bào DTTS.
Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH Đắk Lắk chia sẻ: Vốn vay theo Nghị định 28 của Chính phủ, là một trong những nguồn lực hỗ trợ quan trọng, với cơ chế hết sức nhân văn, bởi thời hạn cho vay và lãi suất cho vay đều thuận lợi. Nghị định không chỉ có người dân được vay mà các doanh nghiệp, Hợp tác xã cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay này để phát triển trồng cây dược liệu. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân theo Nghị định 28 được gần 19 tỷ đồng cho 351 hộ vay trên toàn địa bàn tỉnh.
Bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, đồng bào DTTS còn được vay vốn xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở với mức tối đa 40 triệu đồng, thời gian vay kéo dài 15 năm. Số tiền vay cao hơn so với các chương trình trước đây. Điều này, đã giúp các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS xây dựng được nhà cửa khang trang. Từ đó, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bà Đinh Thị Bích - thôn Nà Lệnh, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm qua sinh sống trong ngôi nhà đã xuống cấp. Tháng 9/2022 vừa qua, bà được cán bộ Hội Phụ nữ xã và cán bộ Ngân hàng CSXH hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn chương trình hỗ trợ nhà ở, với số tiền 40 triệu đồng, lãi suất ưu đãi. Cùng với nguồn vốn tích góp gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Gia đình bà giờ đã hoàn toàn an tâm, tập trung tăng gia lao động sản xuất có thêm thu nhập.
Tính đến 30/4/2023, việc giải ngân theo Quyết định 28 đạt trên 1.195 tỷ đồng, với gần 24 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Vốn tín dụng CSXH được đầu tư đến 100% xã, phường trên cả nước, tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tháo gỡ vướng mắc để giải ngân hiệu quả
Bên cạnh hiệu quả tích cực của việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28, thì các dự án hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn nhiều vướng mắc.
Theo ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH vẫn còn nhiều địa phương chưa phê duyệt chính sách đối tượng thụ hưởng hoặc đã phê duyệt nhưng còn chậm… Do đó, tỷ lệ giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP còn thấp.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng CSXH thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 2/2023 Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định: Tín dụng CSXH đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng trong cả nước.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ủy ban Dân tộc đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ sửa đổi bổ sung các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.
Đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cho giai đoạn 2024 - 2025 và thường xuyên rà soát, báo cáo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ủy ban Dân tộc cũng đã chỉ đạo hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành và Ngân hàng CSXH tại địa phương, sớm tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành quy trình rà soát, lập và phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách; kịp thời báo cáo, tham mưu tháo gỡ khó khăn tại cơ sở. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất các hoạt động thu hút, huy động nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.
Song song với những giải pháp quyết liệt, tích cực phối hợp với các bộ ngành và Ngân hàng CSXH, đã góp phần giải quyết nhu cầu vốn cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở giúp người dân từng bước an cư.
Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc còn tích cực vận động thu hút các nguồn vốn ODA để bổ trợ nguồn vốn thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh về nguồn vốn này trong bài báo tiếp theo.