Đều đang theo học năm cuối cấp tại Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lý Hoàng Anh, Hà Quốc Đạt - hai tác giả chính của công trình “Ứng dụng công nghệ 4.0 để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa và phát triển ngành Du lịch Côn Đảo” là những người bạn có cùng sở thích và năng khiếu về công nghệ. Bên cạnh đó, cả hai em đều yêu lịch sử, tự hào về mảnh đất Côn Đảo hào hùng, thiêng liêng mà mình đang sinh sống, từ đó, ý tưởng kết hợp những kiến thức về công nghệ và văn hóa lịch sử đã dần hình thành.
Sau 2 năm ấp ủ, nghiên cứu, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy Trần Song Hào (giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu), các em đã trình làng dự án “Ứng dụng công nghệ 4.0 để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa và phát triển ngành Du lịch Côn Đảo” tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023 và đã xuất sắc nằm trong danh sách 8 dự án đoạt giải nhất, trên 104 dự án tham gia cuộc thi.
"Là một người sinh sống và dạy các em học sinh tại Côn Đảo, tôi thấy nhiều em dù rất tự hào về lịch sử quê hương mình nhưng lại rất ít biết về những sự kiện cụ thể. Tôi nghĩ dự án của 2 em Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt sẽ giúp các em học sinh khác có cái nhìn mới mẻ và tích cực hơn về việc tiếp cận các giá trị lịch sử quê hương”.
THầy giáo Nguyễn Đăng ThanhGiáo viên tại Côn Đảo
Chia sẻ về nội dung của dự án, Lý Hoàng Anh cho biết: “Dự án của em là 1 hệ thống gồm các Video lịch sử, danh lam thắng cảnh được tích hợp vào mã QRcode để du khách đến Côn Đảo có thể được nghe thuyết minh về địa danh đó. Đây còn là hệ thống giúp du khách đến Côn Đảo có thể xác định được những địa điểm nhất định phải trải nghiệm bằng bản đồ du lịch điện tử”.
Nói về quá trình thực hiện dự án và những khó khăn trải qua, Hà Quốc Đạt chia sẻ: “Chúng em đã gặp không ít khó khăn trong việc thu thập đầy đủ tài liệu, hình ảnh, Video để có thể tái hiện di tích lịch sử Côn Đảo bằng các Video, Clip thuyết minh trong khi những thước phim tài liệu lịch sử về di tích ở Côn Đảo không được phổ biến rộng rãi trên Internet. Khó khăn tiếp theo là khoảng cách địa lý cách xa đất liền dẫn đến việc giao lưu học hỏi còn hạn chế, nhất là những kiến thức về công nghệ. Tuy nhiên, may mắn là chúng em được tất cả thầy cô, gia đình, bạn bè và nhất là lãnh đạo huyện Côn Đảo quan tâm, tạo điều kiện để chúng em được tiếp cận tài liệu, được tự do nghiên cứu và hỗ trợ khảo sát để hoàn thiện dự án”.
Không chỉ đạt giải thưởng cao về sáng tạo, khi đề tài được đưa vào áp dụng thử nghiệm thực tế đã mang lại những hiệu quả bất ngờ và được mọi người đánh giá rất tích cực. Bạn Đường Tuấn Anh, một học sinh sống tại Côn Đảo chia sẻ: “Em thấy công trình khá bổ ích đối với người dân ở đảo cũng như khách du lịch. Tiện ích nằm ở chỗ quét mã QR, vì hiện nay nhiều người dùng điện thoại thông minh”.
Công trình của Hoàng Anh, Quốc Đạt tuy không mới, nhưng có ý nghĩa to lớn và đáng trân quý. Đặc biệt là đối với những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường sinh sống nơi huyện đảo xa xôi, còn nhiều thiếu thốn về vật chất, về công nghệ… nhưng đã vượt qua nhiều trở ngại, dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến trí lực cho quê hương, đất nước.
Các em đã gieo thêm niềm tin, tiếp thêm động lực cho các bạn đồng trang lứa và ngay cả những người lớn sự tự hào về một thế hệ thanh niên Việt Nam hiện đại, bản lĩnh, tri thức và yêu nước.