Quyết định 281/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/2/2014, nhằm mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai 4 mô hình: Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập (gọi tắt là Đề án 281).
Trong 5 năm thực hiện phong trào “Học tập suốt đời”, nhiều địa phương trên cả nước đã đạt được những kết quả tích cực.
Sinh sống ở địa bàn miền núi tỉnh Quảng Bình, tuy khó khăn nhưng gia đình bà Đinh Thị Thủy, thôn Quy Hợp, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho con cái được học tập. Bà cho biết, con gái đầu đã tốt nghiệp thạc sĩ, hiện đang làm luận án Tiến sĩ ở Đài Loan; Con thứ 2 tốt nghiệp Đại học ngành Chăn nuôi thú y, có việc làm ổn định. Bản thân gia đình bà cũng luôn chú trọng phát triển kinh tế, chịu khó nghiên cứu qua tivi, sách, báo... để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giúp đỡ bà con khó khăn trong cuộc sống. Các thành viên trong gia đình còn tuyên truyền, vận động hội viên Hội khuyến học thực hiện chủ trương của Đảng và chính quyền địa phương, đóng góp Quỹ Khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi.
Theo thống kê của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình, tổng số gia đình đăng ký Gia đình học tập (GĐHT) năm 2020, là 208.036, chiếm tỷ lệ 95% so với tổng số gia đình trong tỉnh, tăng 68.829 gia đình so với năm 2016. Số gia đình đạt GĐHT 197.879, chiếm tỷ lệ 81% so với tổng số gia đình trong tỉnh, tăng 91.272 gia đình so với năm 2016; vượt 11% so với chỉ tiêu phấn đấu theo Đề án 281. Đặc biệt, 100% các huyện, thị xã, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu theo Đề án 281.
Không chỉ riêng Quảng Bình, ở các khu vực DTTS tại nhiều tỉnh như: Điện Biên, Thanh Hoá, Lạng Sơn,… phong trào “học tập suốt đời” đang tiếp tục lan tỏa, làm chuyển biến về nhận thức, việc làm của từng cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng.
GS, TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã khẳng định: Việc phát huy truyền thống của gia đình, dòng tộc và ý thức của những bậc làm cha, làm mẹ đã tạo nên sự quan tâm, nguồn động viên kịp thời đối với con em đang đi học. Từ đó, tạo động lực cho các cháu phấn đấu học tập.
Đặc biệt, nếu như trước đây nhận thức của đa số người dân chủ yếu quan tâm đến việc học của con em trong độ tuổi đi học, thì nay việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của các bậc ông bà, cha mẹ đã được quan tâm, chú trọng hơn, phát huy được truyền thống hiếu học của Nhân dân. Những kiến thức học và tự học đã được áp dụng vào cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo; an ninh trật tự địa phương được giữ vững; xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi, số hộ nghèo giảm.
Không những vậy, việc xây dựng các mô hình học tập góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, đặc biệt đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Việc phát huy truyền thống của gia đình, dòng tộc và ý thức của những bậc làm cha, làm mẹ đã tạo nên sự quan tâm, nguồn động viên kịp thời đối với con em đang đi học. Từ đó, tạo động lực cho các cháu phấn đấu học tập”.
GS, TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam