Khánh Hội là một trong hai xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo không còn thụ hưởng chính sách BHYT, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 về việc phê duyệt danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Khánh Hội có hơn 10 nghìn người không được hỗ trợ kinh phí 100% mua BHYT. Đây là áp lực lớn cho địa phương khi đang thực lộ trình xây dựng nông thôn và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Duy Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (U Minh) cho biết, đầu năm 2022, tỷ lệ tham gia BHYT của xã còn hơn 40%, tập trung vào 2 ấp đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, xã phải đạt mục tiêu đề ra là trên 85% người dân tham gia BHYT để cuối năm thẩm định xã nông thôn mới. Do đó, xã đã triển khai một số giải pháp, trong đó tập trung quyết liệt cho việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện.
Với công tác tuyên truyền, xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, phối hợp với địa phương, cán bộ ngành bảo hiểm, tập trung vào việc giải thích cho người dân không còn hỗ trợ chi phí bảo hiểm. Đồng thời, nêu rõ các lợi ích cụ thể mà người dân từng được hưởng lợi từ BHYT để thuyết phục người dân tự nguyện mua BHYT cho gia đình. Tới cuối tháng 5, số người tham gia BHYT đã tăng lên gần 60%, và còn hơn 2.700 người chưa tham gia BHYT.
"Trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với Đồn Biên phòng và Bảo hiểm xã hội huyện, tiếp tục tuyên truyền và vận động mở rộng đối tượng để đạt mục tiêu đề ra ”, ông Quân thông tin.
Xã Khánh Thuận (U Minh) hiện là xã đặc biệt khó khăn duy nhất trên địa bàn huyện được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 353 của Thủ tướng Chính phủ, do vậy người dân vẫn còn được hỗ trợ BHYT. Tuy nhiên, những năm gần đây, xã xác định việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện BHXH tự nguyện là rất cần thiết, bởi BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất quan trọng, là nguồn tài chính quan trọng để đảm bảo cuộc sống cho người dân khi về già.
Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND chia sẻ, khi tuyên truyền phải chỉ rõ lợi ích cho người tham gia BHXH tự nguyện và khẳng định chính sách BHXH tự nguyện dành cho tất cả các tầng lớp Nhân dân, từ người chạy xe ôm, các hộ là thuê dưới tán rừng đến các hộ mua bán nhỏ… đều đủ điều kiện tham gia.
“Khi chúng tôi tổ chức tuyên truyền, luôn tập trung vào lợi ích của người tham gia, bên cạnh đó, phải có dẫn chứng cụ thể. Với chính sách mở rộng đối tượng này, mỗi ngày người lao động chỉ cần tiết kiệm từ 5 ngàn đồng trở lên, là có thể hưởng được hàng loạt các chính sách hỗ trợ khi về già như được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (tương đương số tiền gấp 10 lần mức lương cơ sở) khi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện qua đời..”, ông Mười cho biết.
Mỗi xã điều có khó khăn riêng khi triển khai chính sách bảo hiểm trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác tổ chức, triển khai chính sách BHXH tự nguyện, BHYT của huyện ngày càng hoàn thiện, thể hiện đầy đủ vai trò là trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội; người tham gia, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình luôn có chỉ số dương.
Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: Huyện đang chỉ đạo tất cả các xã trên địa bàn, dựa trên tình hình thực tế nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình, từ đó mọi người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn. Đồng thời, bảo vệ được tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, việc đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia và triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã trở thành nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành chứ không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH.